Ứng phó với cơn bão có diễn biến phức tạp: Ðảm bảo công tác y tế 24/24 giờ

16-07-2017 9:03 PM | Thời sự

SKĐS - Bộ Y tế yêu cầu y tế các tỉnh khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân và cán bộ y tế. Không chủ quan vì bão số 2 diễn biến rất phức tạp.

Tại Hội nghị trực tuyến ứng phó với bão số 2 diễn ra sáng ngày 16/7 tại Hà Nội, theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, bão số 2 là cơn bão có diễn biến bất thường và phức tạp, dự báo mới nhất 4 giờ sáng bão đã cập bờ, nhưng có thể đến sớm hơn lúc 1 giờ hoặc muộn hơn lúc 7 giờ ngày 17/7/2017, với cường độ cấp 10 giật trên cấp 11-12,...

Ứng phó với cơn bão có diễn biến phức tạp: Ðảm bảo công tác y tế 24/24 giờDiễn biến của bão số 2 theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn TW (cập nhật đến 19 giờ ngày 16/7/2017).

Đảm bảo đáp ứng công tác y tế 24/24 giờ

Trước diễn biến phức tạp của bão số 2, ngày 16/7, Bộ Y tế đã có công điện số 4010/CĐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chủ động triển khai công tác y tế ứng phó với bão số 2. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành trong khu vực trên triển khai các phương án 4 tại chỗ, đối phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa, bão gây ra. Đồng thời, Sở Y tế các tỉnh, thành phố huy động các lực lượng y tế của địa phương sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, nhu yếu phẩm thiết yếu tại những khu vực có khả năng bị chia cắt. Các cơ sở y tế tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng của mưa, bão. Các đội cấp cứu cơ động trực 24/24 giờ luôn trong trạng thái sẵn sàng cơ động ứng cứu khi có lệnh.

Ứng phó với cơn bão có diễn biến phức tạp

Công điện của Bộ Y tế cũng yêu cầu ngành y tế các tỉnh trong khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ triển khai ngay các phương án bảo vệ, hỗ trợ hoặc di dời các cơ sở y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế. Triển khai kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, vùng trũng, vùng có nguy cơ bị ngập úng, đặc biệt vùng hạ du của các hồ chứa…

Tại Thanh Hóa, trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Bá Cẩn cho biết, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi tất cả các đơn vị y tế trên địa bàn yêu cầu chủ động chuẩn bị các phương án phòng chống bão lũ từ trang thiết bị, cơ số thuốc phòng chống lụt bão đến nhân lực. Tất cả các đơn vị y tế phải bố trí trực 24/24 giờ, các tổ trực cấp cứu, vận chuyển người bệnh đều phải sẵn sàng. Các đơn vị y tế vùng ven biển và miền núi cần bám sát diễn biến thời tiết để kịp thời triển khai các giải pháp phù hợp. Sở Y tế cũng yêu cầu các đội vệ sinh phòng dịch chuẩn bị sẵn hóa chất để kịp thời cung ứng cho người dân ở các vùng ngập úng khử khuẩn nước sinh hoạt, đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch trong/sau bão lũ.

Ứng phó với cơn bão có diễn biến phức tạpCán bộ, chiến sĩ và người dân triển khai các biện pháp phòng tránh bão số 2.

Ngành y tế Nghệ An cũng đã lên các phương án đảm bảo công tác y tế tại tất cả các đơn vị y tế trên địa bàn. Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, DSCKI. Hoàng Văn Hảo - quyền giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An cho biết, đến thời điểm chiều ngày 16/7, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo khẩn các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn nhân lực, trang thiết bị, cơ số thuốc phòng chống lụt bão và hóa chất để chủ động ứng phó với bão lũ và ngập úng. Ban lãnh đạo Sở Y tế cũng như lãnh đạo các đơn vị y tế trên địa bàn phải trực 24/24 giờ, cùng với đó các đội cấp cứu cơ động phải sẵn sàng đảm bảo thực hiện nhiệm vụ 24/24 giờ trong mọi điều kiện thời tiết. Đối với các đơn vị y tế ven biển, Sở Y tế Nghệ An yêu cầu cần bám sát diễn biến bão lũ để có phương án sơ tán bệnh nhân, trang thiết bị y tế khi cần thiết.

Cảnh báo sạt lở đất, ngập úng

Tại phiên họp trực tuyến với các tỉnh, thành để ứng phó với bão số 2, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng Ban chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai đã đề nghị các địa phương phải hoàn thành việc di dời người dân hoạt động trên biển vào bờ, thực hiện sơ tán người dân tại các khu vực xung yếu, chằng chống nhà cửa, lồng bè cũng phải hoàn thành trước 17 giờ ngày 16/7. Tại các vùng trọng tâm bão sẽ thực hiện cấm biển từ 12 giờ trưa ngày 16/7.

Ứng phó với cơn bão có diễn biến phức tạpBan Chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai họp trực tuyến với các tỉnh.

Ông Thắng cũng lo ngại 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có hơn 1.350 hồ lớn nhỏ, trong đó nhiều hồ có nguy cơ thiếu an toàn. Trường hợp mưa lớn, đập Hòa Bình dự kiến xả 3 cửa, khi đó nước sông Hồng sẽ lên cao, gây nguy cơ cho nhiều điểm đê xung yếu. Do đó, quá trình xả lũ cần thông tin sớm cho chính quyền vùng hạ du để thông báo kịp thời tới nhân dân.

Tại cuộc họp, ông Trương Trọng Nghĩa - Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho rằng, không nên chủ quan vì đây là cơn bão đầu tiên vào Việt Nam diễn biến khó lường. Thời điểm này đang có nhiều công trình dang dở, nhất là thủy điện thủy lợi và lượng khách du lịch nhiều nên các địa phương cần chủ động theo dõi, đảm bảo thông tin để không gây thiệt hại.

Các thành viên Ban chỉ đạo cũng cảnh báo tình trạng nguy cơ sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi, khi chiều qua tại đây đã có mưa kéo dài. Khu vực đồng bằng cần đề phòng ngập úng.

Ứng phó với cơn bão có diễn biến phức tạpNgư dân ở Thanh Hóa tích cực phòng tránh bão.

Theo dự báo, do ảnh hưởng của bão số 2, từ tối ngày 16/7 - 18/7 ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TW cũng cảnh báo từ đêm ngày 16 -20/7, lũ sẽ xuất hiện trên thượng lưu hệ thống sông Hồng với biên độ lũ lên từ 2-3m, trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình biên độ lũ lên từ 4-6m.

Lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở vùng trũng có khả năng xảy ra tại nhiều tỉnh ở vùng núi phía Bắc và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, đặc biệt một số tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Các khu đô thị, các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa,Vinh (Nghệ An), Hà Tĩnh, Ba Đồn, Đồng Hới có nguy cơ xuất hiện ngập úng.

 


Ngọc Mai - Thái Bình
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH