Ứng phó với bệnh zona mắt

10-01-2018 10:58 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Zona là bệnh do một loại virut gây ra, bệnh có thể gặp bất cứ vị trí nào của da, niêm mạc trên cơ thể, nhưng nguy hiểm nhất là zona thần kinh mắt,

vì vậy, cần hết sức cẩn thận, không chủ quan xem thường

Bệnh zona là sự tái phát của virut gây bệnh thủy đậu (virus Varicella Zoster). Đối với người đã từng mắc bệnh thủy đậu, sau khi khỏi, virut có thể không biến mất hoàn toàn, chúng ẩn nấp trong các tế bào thần kinh dưới dạng không hoạt động (tương tự như động vật ngủ đông). Ở đó, chúng bị kiềm chế bởi hệ miễn dịch tự nhiên của con người. Khi hệ miễn dịch có dấu hiệu suy yếu do tuổi tác hoặc do bệnh tật, những virut này sẽ “thức dậy” và hoạt động trở lại. Chúng di chuyển dọc theo các dây thần kinh, trên đường di chuyển và gây tổn thương dọc sợi dây thần kinh đó và được biểu hiện tổn thương ở trên vùng da thuộc dây thần kinh đó nên gọi là bệnh zona thần kinh. Trong đó, zona thần kinh ở mắt được xem là nguy hiểm vì gây nhiều biến chứng nhất, cần phải thận trọng.

Như vậy, bệnh zona thần kinh mắt, tác nhân gây bệnh là virut gây bệnh thủy đậu nhưng triệu chứng không giống thủy đậu.

Dùng băng, gạc che phủ các tổn thương của zona để không lây sang người lành khi tiếp xúc.

Dùng băng, gạc che phủ các tổn thương của zona để không lây sang người lành khi tiếp xúc.

Triệu chứng của zona mắt

Bệnh zona thần kinh ở mắt cũng như zona ở các vị trí khác của da trên cơ thể người nói chung, thường xảy ra vào mùa thu - đông hoặc mùa xuân. Bệnh dễ chuyển thành mạn tính và tái phát lại nhiều lần. Các dấu hiệu của bệnh zona thần kinh ở mắt thường gặp là trước khi tổn thương hình thành các dát đỏ mọc 2-3 ngày thường có cảm giác báo hiệu như rát, đau nhức vùng sắp mọc tổn thương kèm theo triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, đau đầu, hạch ngoại vi lân cận có thể sưng và đau (ít hoặc nhiều). Sau vài  ba ngày thường bắt đầu là các mảng đỏ, nề nhẹ, gờ cao hơn mặt da, hình tròn, bầu dục lần lượt nổi dọc dây thần kinh, rải rác hoặc cụm lại thành dải, thành vệt, sau 1-2 giờ trên mảng đỏ xuất hiện những mụn nước chứa dịch trong, căng khó vỡ, các mụn nước tập trung thành cụm (giống như chùm nho). Các mụn nước (giống nốt bỏng) mọc rải rác hoặc thành dải xung quanh mắt, mi mắt. Lúc này, người bệnh có cảm giác bị mỏi mắt, mờ mắt, mắt bị đau nhức, thậm chí có cảm giác bị tê liệt khi bệnh phát triển nặng. Các mụn nước này về sau đục, vỡ, xẹp để lại sẹo (nếu nhiễm khuẩn).

Đặc điểm của bệnh zona mắt thường khu trú tập trung ở những vị trí đặc biệt và thường chỉ có một bên của cơ thể dọc theo các đường dây thần kinh (không có tổ thương đối xứng), tuy nhiên, cá biệt có thể bị cả hai bên hay lan tỏa.

Những biến chứng của zona mắt

Những mụn nước zona có thể biến mất sau một vài tuần nhưng đau vẫn còn tiếp diễn sau nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Biến chứng này gây ra do tổn thương thần kinh hay còn gọi là chứng đau thần kinh sau zona, gặp chủ yếu ở người có tuổi. Mắt bị khô, để lại sẹo ở mí mắt hoặc dưới giác mạc, sụp mí mắt, bội nhiễm, tắc tuyến sụn giác mạc. Nếu không được chữa trị kịp thời, đúng, lâu dần có thể dẫn đến hoại tử giác mạc, để lại sẹo vĩnh viễn; bên cạnh đó có thể gây nên liệt dây thần kinh mắt. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất, bởi có thể dẫn đến mù mắt vĩnh viễn. Bệnh zona cũng có thể dẫn đến sưng, phù giác mạc, gây tăng nhãn áp. Ngoài ra, có thể gặp biến chứng đau tai, tê liệt và mất cảm giác trên mặt, mất vị giác. Với người cao tuổi, biến chứng bệnh zona thần kinh mắt  có thể làm tăng nguy cơ bị tai biến, viêm màng não

Nguyên tắc điều trị

Khi nghi ngờ bị zona mắt cần đi khám, tốt nhất khám ở bác sĩ chuyên khoa da liễu để được điều trị càng sớm càng tốt. Nguyên tắc là dùng các thuốc kháng virut để ngăn sự phát triển của chúng. Dùng thuốc gì (thoa ngoài da hay uống), liều dùng như thế nào là do bác sĩ khám bệnh chỉ định, người bệnh hoặc người nhà không tự chẩn đoán, tự động mua thuốc chữa trị nếu không có chuyên môn về y học. Bện cạnh điều trị căn nguyên (ức chế virut) cần dùng các thuốc chống viêm (alphachoay…), chống ngứa (loratidin...), giảm đau (paracetamol...) và thuốc sát khuẩn (betadin…) nhằm mục đích chống bội nhiễm vi khuẩn.

Nguyên tắc phòng bệnh

Thông thường ít khi bị lây nhiễm bệnh zona, trừ khi người tiếp xúc với tổn thương của zona (vết bỏng, dịch nước, mủ…) với người chưa có miễn dịch chống bệnh thủy đậu (bởi vì virut gây bệnh thủy đậu chính là virut gây bệnh zona). Vì vậy, cần dùng băng, gạc che phủ các tổn thương của zona để không lây sang người lành khi tiếp xúc. Với người chăm sóc vết tổn thương zona cần phải đi găng, sát trùng tay sau khi chăm sóc (thay băng, rửa vết thương…).

Để đến khi lớn tuổi không bị zona, đặc biệt là zona thần kinh mắt, từ lúc còn nhỏ cần được tiêm phòng vắc-xin thủy đậu.

Với người cao tuổi, cần có chế độ dinh dưỡng tốt nhằm tăng sức đề kháng, tránh mắc các bệnh, nhất là bệnh zona, đặc biệt zona thần kinh mắt.

BS. Việt Bắc
Ý kiến của bạn