Hà Nội

Ứng phó với bệnh gout

09-01-2018 14:09 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Gout là một bệnh lý viêm khớp do rối loạn chuyển hóa purine, có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới, đặc biệt tăng rất nhanh ở nước ta trong những năm gần đây,.

Bệnh có liên quan chặt chẽ đến các bệnh lý do rối loạn chuyển hóa khác (béo phì, tiểu đường, rối loạn lipid máu…) và các bệnh lý tim mạch (tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim…) vốn được coi là những hiểm họa của loài người...

Những biểu hiện của bệnh

Bệnh do tăng acid uric máu đơn thuần thường bắt đầu từ tuổi dậy thì, có thể kéo dài 20-40 năm mà không có triệu chứng gì cho đến khi xuất hiện cơn gout cấp đầu tiên. Đây được coi là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh.

Cơn viêm khớp gout cấp:

Lúc đầu thường là những cơn gout rất điển hình, thể hiện ở khớp ngón I bàn chân (chiếm 75%) , các khớp khác chiếm 25% ( khớp cổ chân, gối, cổ tay, khuỷu.... )

Người bệnh bị đau đột ngột dữ dội kèm sưng tấy, nóng, đỏ, xung huyết... ở một khớp, thường xảy ra về đêm kèm theo triệu chứng viêm khớp tăng tối đa trong 24 - 48 giờ và kéo dài từ 3 đến 10 ngày rồi tự khỏi hoàn toàn. Càng về sau đợt viêm cấp càng kéo dài, không tự khỏi, không thành các cơn điển hình, biểu hiện ở nhiều khớp, đối xứng và để lại các di chứng cứng khớp, teo cơ, hạn chế vận động...

Ứng phó với bệnh goutTriệu chứng thường gặp của bệnh gút.

Biểu hiện toàn thân: Người bệnh có thể sốt, rét run, cứng gáy, mệt mỏi...

Khoảng cách giữa cơn đầu tiên và cơn thứ hai có thể từ vài tháng đến vài năm, thậm chí >10 năm. Càng về sau khoảng cách này càng ngắn lại. Các cơn viêm khớp cấp xảy ra liên tiếp và không khi nào dứt cơn.

Viêm khớp gout mạn:

Viêm nhiều khớp, có thể đối xứng, biến dạng khớp, teo cơ, cứng khớp...

Các biểu hiện toàn thân khác: Thiếu máu, suy thận mạn tính do các acid uric lắng đọng dưới dạng muối urate ở nhu mô thận. Hiện tượng suy thận lúc đầu tiềm tàng, hoàn toàn không có biểu hiện lâm sàng, tăng dần, chậm nhưng chắc và sẽ không hồi phục, đây là nguyên nhân chính làm tử vong và giảm tuổi thọ cho bệnh nhân gout; sỏi thận do acid uric lắng đọng ở ống thận; tăng huyết áp; đái tháo đường; rối loạn lipid máu ...

Nguyên nhân gây tăng acid uric

Tăng acid uric trong máu: Do nội sinh (tăng tổng hợp các purin do các quá trình phá hủy các nhân tế bào) và ngoại sinh (do phân hủy các thức ăn có chứa purin), do giảm thải acid uric khỏi cơ thể (acid uric niệu < 800 mg/24h) hoặc do kết hợp cả tăng sản xuất acid uric và giảm thải acid uric.

Về lối sống và điều kiện kinh tế xã hội: Tăng lượng tiêu thụ bia, rượu ở cộng đồng; tăng sử dụng thiazide và liều nhỏ aspirine cho các bệnh lý tim mạch; tăng sử dụng chế độ ăn giầu purin; gia tăng các bệnh lý chuyển hóa và béo phì; gia tăng tỷ lệ người trên 65 tuổi...

Ứng phó thế nào?

Gout là một bệnh lý khớp đáp ứng tốt với điều trị nhưng đòi hỏi điều trị liên tục, lâu dài và toàn diện, kết hợp ngay từ đầu giữa điều trị và phòng bệnh với 3 mục đích:

Khống chế các đợt viêm khớp Gout cấp: Bằng các thuốc kháng viêm giảm đau, với nguyên tắc dùng sớm, dùng liều cao và ngắn ngày.

Ngăn ngừa tái phát các đợt viêm khớp bằng cách làm hạ và duy trì  acid uric máu ở mức cho phép (< 300 micromol/L hay < 5 mg/dL).

Điều chỉnh bằng chế độ ăn uống: Hạn chế các thức ăn chứa nhiều nhân purin như  phủ tạng động vật (tim, gan, thận, óc…), các loại thịt đỏ, trứng  vịt lộn, cá chích, cá đối, cá mòi, các loại rau mầm, nấm...; dùng nhiều rau xanh, trái cây tươi, nước suối có gas; bằng thuốc chống tổng hợp acid uric hay thuốc tăng thải acid uric ra ngoài

Kiểm soát tốt các bệnh lý kèm theo: Kiểm soát tốt các bệnh lý kèm theo (nếu có) như cao huyết áp, rối loạn lipid máu, tiểu đường, bệnh mạch vành... Giảm và kiểm soát cân nặng…

Nếu được chẩn đoán sớm bệnh có thể điều trị khỏi bằng các phác đồ điều trị chuẩn.


PGS. TS.BS. Lê Anh Thư
Ý kiến của bạn