Ứng phó tức thì khi bé sốt cao?

19-06-2015 07:13 | Đời sống
google news

SKĐS - Sốt là một triệu chứng hay gặp ở trẻ em. Có thể là dấu hiệu của một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính như viêm họng, viêm tai giữa, viêm VA... hoặc cũng có thể chỉ sốt do virut trong các bệnh sốt phát ban hoặc cúm.

Con tôi 5 tháng tuổi, mới đây cháu bị sốt cao co giật. Vì buổi chiều cháu vẫn chơi và đêm cháu đột ngột sốt cao 39oC nên tôi lúng túng không biết làm thế nào. Vậy tôi phải làm gì mỗi khi cháu sốt cao?

(trinhthong44@gmail.com)

Sốt là một triệu chứng hay gặp ở trẻ em. Có thể là dấu hiệu của một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính như viêm họng, viêm tai giữa, viêm VA... hoặc cũng có thể chỉ sốt do virut trong các bệnh sốt phát ban hoặc cúm. Bất kỳ nguyên nhân nào gây sốt cao trên 38,50C cũng cần hạ sốt để ngăn ngừa các cơn co giật có thể xảy ra do sốt cao. Ở trẻ em do đặc điểm về sinh lý và cấu tạo của hệ thần kinh chưa hoàn thiện nên cơn co giật thường có tính lan tỏa, cơn nhẹ và ngắn. Co giật do sốt cao chỉ có ở trẻ em và chiếm 50% số trường hợp co giật. Hơn nữa trẻ em thường xuất hiện sốt rất nhanh và bất ngờ. Vì thế khi trẻ sốt có thể hạ sốt bằng hai phương pháp sau:

Dùng thuốc: Khi trẻ sốt trên 38,50C thì nên cho trẻ hạ sốt bằng paracetamon với liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.

Phương pháp vật lý: Trẻ được ở trần trong phòng không có gió lùa, được tắm hoặc lau mặt toàn thân bằng nước ấm kém nhiệt độ cơ thể 2oC. Lưu ý không được dùng đá lạnh. Khi chườm đá sờ ngoài da thấy mát nhưng thực tế đá lạnh gây co mạch ngoại vi, cơ thể càng bị giữ nhiệt nên sẽ không hạ sốt.

Trong thời gian trẻ sốt, cần cho trẻ bú nhiều hơn nếu trẻ bú được hoặc cho trẻ uống nước nếu uống được. Như vậy sẽ hạn chế được việc tăng thân nhiệt và có tác dụng phòng ngừa các cơn co giật do sốt cao. Nếu sau khi xử trí trẻ hạ sốt và chơi ngoan hoặc ngủ ngoan thì chưa cần đưa trẻ đi viện. Nếu trẻ sốt cao li bì, không bú được, kèm theo hoảng hốt thì cần đưa trẻ đến bệnh viện hay cơ sở y tế ngay.

BS. Vũ Hồng Ngọc

 

 

 


Ý kiến của bạn
Tags: