Tăng huyết áp (THA) khi mang thai là một bệnh lý nguy hiểm và cũng là nguyên nhân gây ra các biến chứng, thậm chí tử vong cho cả mẹ và thai nhi. THA thai kỳ cần phải điều trị cho dù cơ chế sinh bệnh là gì. Tuy nhiên, thuốc chống tăng huyết áp lại là những nhóm thuốc có nhiều chống chỉ định và tác dụng có hại cho phụ nữ mang thai và thai nhi.
Chứng THA thai kỳ cần phải điều trị cho dù cơ chế sinh bệnh là gì. Việc điều trị tùy vào tình trạng bệnh và các yếu tố nguy cơ khác của thai phụ. Tuy nhiên không nên hạ huyết áp quá nhanh sẽ làm giảm tưới máu cho nhau thai và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Trong nhiều trường hợp, có sự giảm huyết áp sinh lý trong 3 tháng đầu thai kỳ trở về mức bình thường mà không cần dùng thuốc. Điều trị những trường hợp THA nhẹ và vừa có lợi cho mẹ hơn là cho thai nhi trong những ngày đầu của thời kỳ thai nghén. Một số phụ nữ đang được điều trị huyết áp từ trước thì đến giai đoạn này có thể giảm hoặc ngừng thuốc do trong nửa đầu của thai kỳ, huyết áp sẽ giảm một cách sinh lý. Tuy nhiên, sự giảm huyết áp này chỉ mang tính chất tạm thời, thai phụ cần được theo dõi sát và phải dùng thuốc lại khi cần thiết. Đối với trường hợp bị THA nặng (trên 170/110mmHg), nguy cơ bị biến chứng tiền sản giật và sản giật, thậm chí tử vong cho mẹ là rất cao. Điều trị hạ huyết áp không có tác dụng ngăn chặn tiền sản giật. Chỉ đình chỉ thai nghén mới có tác dụng trong trường hợp này, nhưng điều trị hạ huyết áp lại có thể làm giảm biến chứng chảy máu nội sọ.
Lưu ý: Thai kỳ kèm theo rối loạn THA phải được theo dõi sát do gia tăng nguy cơ các biến chứng thai kỳ. Thông thường, huyết áp sẽ trở về bình thường trong vòng 3 tháng sau sinh và người bệnh có thể ngưng dùng các thuốc chống THA. Nếu tình trạng THA còn tồn tại trong vòng 3 tháng, nên nghĩ đến một chẩn đoán khác - chẳng hạn như THA mạn tính (vô căn hay thứ phát). Cần tăng cường theo dõi do nguy cơ bị tái phát ở lần mang thai tới.
Mời độc giả đón đọc bài 2 "Thuốc điều trị THA cần tránh sử dụng trong thai kỳ và trước thời điểm thụ thai" vào 8h ngày 17/6/2015.
DS. Nguyễn Thanh Lâm