Hà Nội

Ứng phó khẩn cấp với cơn bão mạnh nhất trong năm

15-09-2017 10:45 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - * Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện về việc triển khai khẩn cấp các biện pháp ứng phó với bão số 10.

* Sáng 14/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị trực tuyến nhằm đưa ra các giải pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10.

* Về phía Bộ Y tế, liên tiếp trong hai ngày 13-14/9, Bộ đã có hai công điện khẩn gửi lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh/thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa và các tỉnh Bắc Bộ cùng các  đơn vị trực thuộc Bộ Y tế tại khu vực: miền Bắc, miền Trung và Nam Trung Bộ đề nghị chủ động triển khai công tác y tế ứng phó khẩn cấp bão số 10…

Lần đầu tiên đưa ra mức cảnh báo bão cấp độ 4

Công điện của Thủ tướng nêu rõ, bão số 10 (tên quốc tế là DOKSURI) là cơn bão rất mạnh, diễn biến của bão còn phức tạp, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến và đề phòng bão đổ bộ vào bờ sớm hơn dự báo. Các địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão, đặc biệt là các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân tập trung thu hoạch lúa chín; chủ động tiêu nước, phòng chống ngập úng các đô thị và bảo vệ sản xuất nông nghiệp.Dự báo đường đi của cơn bão số 10. (Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương)

Dự báo đường đi của cơn bão số 10. (Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương)

Liên quan đến cơn bão số 10 này, sáng 14/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị trực tuyến nhằm đưa ra các giải pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10. Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải có phương án cụ thể, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước hết tập trung bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển. Đồng thời chủ động triển khai phương án bảo đảm an toàn đối với các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên biển; đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất của các lực lượng vũ trang hoạt động trên biển, các vùng biển đảo, các nhà giàn.

Đối với khu vực ven biển (nhất là tại các địa phương dự kiến bão sẽ đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp từ Thanh Hóa đến Quảng Trị), Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền còn hoạt động ven bờ, triển khai cấm biển, không để tàu thuyền còn hoạt động trong vùng nguy hiểm từ đêm 14/9. Cùng với đó, phải đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại nơi tránh trú, hướng dẫn sắp xếp, neo đậu an toàn.

“Khẩn trương rà soát, kiên quyết sơ tán triệt để người dân tại các khu vực nguy hiểm, tuyệt đối không được để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, trên các tàu thuyền (kể cả ở nơi neo đậu) khi bão đổ bộ vào” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Các đội cấp cứu cơ động sẵn sàng ứng cứu y tế trong bão số 10

Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão lũ, Bộ Y tế đã có hai công điện liên tiếp yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, các tỉnh khu vực phía Bắc và các đơn vị trực thuộc Bộ yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, phát huy phương châm bốn tại chỗ, đối phó kịp thời những diễn biến bất thường của mưa lũ. Đồng thời tham gia cùng các cấp, các ban ngành kiểm tra rà soát để chủ động sơ tán khẩn các hộ dân ra các khu vực nguy hiểm nhất là những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống, lũ quét hoặc vùng thấp trũng dễ bị ngập sau khi mưa lớn để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước, của nhân dân.

Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố trên chủ động sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân ảnh hưởng của mưa, bão gây ra.

Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh. Khẩn trương triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời các cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão, lên kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng, vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống và sạt lở đất.TS. Dương Đình Chỉnh - PGĐ Sở  Y tế Nghệ An (thứ hai từ trái sang)  kiểm tra công tác PCLB tại TTYT thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Từ Thành

TS. Dương Đình Chỉnh - PGĐ Sở  Y tế Nghệ An (thứ hai từ trái sang)  kiểm tra công tác PCLB tại TTYT thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Từ Thành

Lo trước, trong và chuẩn bị phương án cứu chữa người bệnh sau bão

Đặc biệt trong lĩnh vực y tế, để chủ động đối phó với những diễn biến phức tạp của cơn bão, Giám đốc Sở Y các địa phương đã ra công điện yêu cầu giám đốc các cơ sở y tế trong và ngoài công thực hiện đầy đủ kế hoạch phòng chống bão lụt - tìm kiếm cứu nạn năm 2017 của ngành y tế và của đơn vị.

Các cơ sở y tế tổ chức trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân do mưa lũ gây ra. Các đội cấp cứu cơ động luôn trong tình trạng sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh. Các đơn vị tuyến tỉnh sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị, phương tiện và phân công các đội cơ động trực 24/24 giờ, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Các đơn vị vùng trũng, thấp có nguy cơ ngập úng, có nguy cơ xảy ra mưa bão có kế hoạch chủ động sơ tán đảm bảo an toàn cho người bệnh và tiếp tục triển khai công tác khám, chữa bệnh và cấp cứu người bệnh. Các trung tâm y tế huyện miền núi chỉ đạo các trạm y tế xã ở địa bàn có nguy cơ sụt lở, lũ quét, lũ ống tham mưu UBND xã chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, thuốc men, nhân lực để sẵn sàng cơ động phục vụ nhân dân.

Trao đổi với phóng viên báo SK&ĐS qua điện thoại, quyền Giám đốc Sở y tế Nghệ An, DS. Hoàng Văn Hảo nói: Không chỉ lo trước, trong mà chúng tôi đã yêu cầu các cơ sở y tế toàn tỉnh sau khi cơn bão kết thúc, các bệnh viện tuyến tỉnh sẵn sàng tăng cường cán bộ chuyên môn, thuốc men và trang thiết bị y tế để hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới cấp cứu bệnh nhân và nạn nhân.

Các đơn vị y tế giám sát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời và tổ chức điều trị, xử lý các loại dịch bệnh; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tổng vệ sinh làm sạch môi trường, xử lý nước cho sinh hoạt, xử lý gia súc gia cầm chết, công trình vệ sinh.

Các trung tâm y tế huyện miền núi chỉ đạo các trạm y tế xã ở địa bàn có nguy cơ sụt lở, lũ quét, lũ ống tham mưu UBND xã chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, thuốc men, nhân lực để sẵn sàng cơ động phục vụ nhân dân. Cử cán bộ theo dõi sát diễn biến của bão, tích cực chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, hóa chất cho phòng chống bão lụt, đồng thời báo cáo ngay mẫu tự kiểm tra công tác phòng chống bão lụt và báo cáo kết quả triển khai công tác đối phó với mưa bão trước, trong và sau khi cơn bão đổ bộ.

Bộ Y tế nhấn mạnh: Sở Y tế và các đơn vị tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, cập nhật thông tin và rà soát lại số lượng, hạn sử dụng cơ số thuốc phòng chống lụt bão và đề xuất yêu cầu về Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế qua số Đt: 024. 62732027, fax: 024.62732207, Email: pcttbyt@gmail.com


Nhóm PV
Ý kiến của bạn