Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng đã họp trực tuyến ứng phó bão Tembin với các tỉnh từ Quảng Nam đến Cà Mau, sáng 23/12 tại Hà Nội.
-Bão mạnh, di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4.
- Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế.
Bão số 16 đang tiếp tục mạnh lên, dự kiến đổ bộ vào Nam Bộ trong đêm 25/12. (Hình minh họa: vn.net)
Kiên quyết sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm
Công điện của Thủ tướng Chính phủ cho biết, dự báo ngày 24/12 bão sẽ đi vào biển Đông và trở thành cơn bão số 16 và tiếp tục mạnh thêm. Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp, có khả năng đổ bộ trực tiếp vào đất liền trong thời điểm triều cường với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (cường độ mạnh nhất chưa từng xảy ra trong khu vực); là vùng có quy mô kinh tế, đặc điểm dân sinh, thiết chế hạ tầng, đặc điểm tự nhiên dễ bị tổn thương khi bão đổ bộ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ như UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng: Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, diễn biến của bão, tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; không để tàu thuyền ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để hướng dẫn di chuyển hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho người trên đảo, nhà giàn, giàn khoan dầu khí, các hoạt động khai thác trên biển, ven biển, trên cù lao đang có nguy cơ sạt lở mạnh, vùng thấp trũng do ảnh hưởng của triều cường. Kiên quyết sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm không đảm bảo an toàn; trong đó đặc biệt đối với huyện đảo, xã đảo như Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu),...
Tại cuộc họp trực tuyến của BCĐ Trung ương về phòng chống thiên tai với các tỉnh từ Quảng Nam đến Cà Mau sáng 23/12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng mọi lực lượng và phương tiện để chủ động ứng phó hiệu quả, kịp thời với bão Tembin.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo nhanh, kịp thời phục vụ sự chỉ đạo, thông tin đối với BCĐ Trung ương, Ban Chỉ huy các tỉnh, thành phố ảnh hưởng bởi bão Tembin; chú trọng phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền các thông tin về bão đến các cấp chính quyền và người dân; trong đó cần quan tâm đến nhân dân sinh sống ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Bộ trưởng cũng đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão xem xét hoãn các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung lực lượng ứng phó với bão.
Các địa phương khẩn trương đối phó với bão
Tại tỉnh Kiên Giang, UBND tỉnh đã có cuộc họp với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cùng các sở, ngành hữu quan triển khai phương án ứng phó với bão Tembin đang di chuyển vào biển Đông, dự báo ảnh hưởng đến khu vực Nam Bộ, trong đó có tỉnh Kiên Giang. Tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, nhất là hai huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải, các địa phương ven biển như Rạch Giá, Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên, An Minh khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với bão Tembin. Các địa phương phải thận trọng, không chủ quan, phân công trực chiến 24/24 giờ. Cũng trong chiều 23/12, tỉnh Kiên Giang cấm các phương tiện khai thác đánh bắt thủy sản, tàu thuyền hàng hải hoạt động trên biển và kêu gọi các tàu thuyền nhanh chóng vào bờ hoặc vào nơi tránh trú an toàn; cập nhật, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của bão, kịp thời cho học sinh nghỉ học, công nhân nghỉ làm việc và sơ tán, di dời dân đến nơi tránh bão an toàn, chuẩn bị sẵn sàng các phương án cứu hộ, cứu nạn khi tình huống xấu xảy ra.
Tàu đánh cá ở Sóc Trăng về nơi tránh bão.
Tại tỉnh Tiền Giang, theo ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, địa phương có kế hoạch di dời hơn 137.000 dân, trong đó có 100.000 dân sống ven biển thuộc hai huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông đến nơi tránh trú an toàn và các hộ dân sinh sống ngoài đê, ven sông, khu vực thường xuyên sạt lở thiếu an toàn. Trong số dân ven biển dự kiến di dời, có khoảng 60.000 dân di dời lên những chỗ kiên cố, vững chắc, an toàn gần nơi cư trú như trường học, bệnh viện, khu hành chính, trung tâm các xã, thị trấn, còn lại di dời sâu vào đất liền, tránh nguy cơ ảnh hưởng bão tố và lốc xoáy khi bão đổ bộ.
Tại tỉnh Bình Thuận, UBND tỉnh có cuộc họp khẩn với cán bộ chủ chốt các địa phương trong tỉnh về việc triển khai các giải pháp khẩn trương ứng phó cơn bão Tembin trên biển Đông. Tại cuộc họp, UBND tỉnh Bình Thuận đã phát lệnh cấm tàu ra biển trên toàn địa bàn từ 16 giờ ngày 23/12. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, để ứng phó bão Tembin, đơn vị đã thông báo cho các phương tiện hoạt động trên biển biết tin về hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Tính đến trưa 23/12, tổng số tàu, thuyền của ngư dân trong tỉnh đang hoạt động trên biển còn 252 chiếc với 1.875 lao động. Các tàu, thuyền này đã được thông báo, kêu gọi vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn và giữ liên lạc với các đồn biên phòng, các đài thông tin duyên hải khu vực, thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ theo dõi sát dự báo những khu vực có khả năng bị ảnh hưởng của cơn bão Tembin, phát huy phương châm bốn tại chỗ, đối phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão gây ra.
Chủ động sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân ảnh hưởng của mưa, bão gây ra.
Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh. Khẩn trương triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời các cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng cơ nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão, lên kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng, vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống và sạt lở đất.
Về phía các đơn vị trực thuộc Bộ, Bộ Y tế yêu cầu chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa, bão.