Đó là tuyên bố của Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) Jim Yong Kim sau khi nước Tây Phi Nigeria xác nhận thêm một ca nhiễm Ebola ở nước này. Ông Kim khẳng định ứng phó thảm họa “dưới mức cần thiết”, trong bối cảnh các cơ sở y tế phương Tây có thể dễ dàng khống chế căn bệnh này, đã bỏ mặc Ebola tiếp tục hoành hành ở Tây Phi.
Trong bài xã luận đăng trên báo Washington Post ngày 1/9, nhà lãnh đạo WB đã kêu gọi các nước giàu chia sẻ kiến thức và nguồn lực để giúp các nước Tây Phi giải quyết đại dịch.
Reuters nêu lên một ví dụ sinh động cho sự nguy hiểm của việc đáp ứng y tế không đầy đủ để dập dịch là vụ một người đàn ông Liberia hôm 1/9 đã trốn khỏi trung tâm cách ly Ebola tại Monrovia, khiến người dân trong vùng sợ hãi chạy trốn khi bệnh nhân này đã vào chợ ở khu phố Paynesville tìm kiếm thức ăn. Bệnh nhân mang thẻ chứng tỏ dương tính với Ebola, tay cầm gậy và liên tục ném đá vào bác sĩ của trung tâm đứng cách xa thuyết phục anh ta quay trở lại. Sau cùng, bệnh nhân vấp ngã và các nhân viên y tế mặc quần áo bảo hộ đã đưa anh ta lên xe cứu thương đưa về trung tâm.
Ebola chỉ có thể lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp với các dịch thể của người bệnh, nên việc áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để khống chế virus có ý nghĩa cốt tử, trong bối cảnh đến nay chưa có thuốc đặc trị cho căn bệnh, mặc dù việc nghiên cứu bào chế vắc-xin đã được đẩy mạnh.
Hơn 1.550 người đã thiệt mạng ở Tây Phi trong tổng số hơn 3.000 người nhiễm virus Ebola, chủ yếu là ở Sierra Leone, Guinea và Liberia.
Dễ hiểu vì sao Ebola có thể mặc sức hoành hành ở Tây Phi, khi một nước như Liberia chỉ có 50 bác sĩ cho 4,3 triệu dân và nhiều nhân viên y tế đã chết vì Ebola. Tình trạng thiếu nhu yếu phẩm, thực phẩm, thiết bị y tế đã trở nên tồi tệ hơn sau khi các hãng hàng không từ chối bay đến các nước đang có dịch và một số nước láng giềng đóng cửa biên giới, nhiều tổ chức quốc tế rút nhân viên của mình khỏi Tây Phi.
Tuần trước, Tổ chức Y tế thế giới (WB) cho biết con số tử vong có thể cao hơn báo cáo bốn lần, và 20.000 người có thể bị ảnh hưởng trước khi dịch Ebola kết thúc. WHO cũng đề ra chương trình giải quyết Ebola trong vòng 6-9 tháng với tổng chi phí dự kiến đến 490 triệu USD.