Hà Nội

Ứng phó dịch COVID-19: Tại sao phương Tây thua phương Đông?

30-10-2020 13:11 | Quốc tế
google news

SKĐS - Thay vì học hỏi kinh nghiệm phòng chống dịch ở các nước Đông Á, các quốc gia phương Tây đã chọn con đường của riêng họ, và kết quả là nhiều nước phương Tây đang chống chọi với đợt dịch mới. Trên báo The Hindubusinessline đã có bài viết lý giải nguyên nhân này.

Mở đầu bài viết, tác giả đặt vấn đề, khi đối đầu với dịch bệnh COVID-19, các nước phương Tây đã mắc sai lầm nào và làm thế nào các quốc gia ở Đông Á lại có những bước đi đúng đắn? “Hãy nhìn vào Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, hiện họ có ít trường hợp mắc hoặc nhiều nơi cuộc sống đang trở về mức “gần bình thường”. Nhìn vào làn sóng dịch bệnh COVID-19 đang tràn vào Mỹ và châu Âu, gây quá tải ở các bệnh viện và buộc các quốc gia phải đóng cửa các quán bar, nhà hàng và áp đặt lệnh giới nghiêm. Sự khác biệt rõ rệt của dịch bệnh COVID-19   giữa phương Đông và phương Tây có thể được nhìn thấy qua các con số. Ví dụ, trong khi Hàn Quốc có 77 ca nhiễm COVID-19 mới vào ngày 24/10, thì Mỹ đã ghi nhận 79.453 ca nhiễm mới”, tác giả bài viết phân tích.

Để có câu trả lời cho lý do về những kết quả khác nhau của dịch bệnh ở các nơi trên thế giới, trước hết cần phải biết  rằng các quốc gia châu Á đã có kinh nghiệm đối phó với các dịch bệnh như SARS và MERS. Qua các đợt phòng chống dịch bệnh trước đó, giúp họ phản ứng nhanh chóng với dịch bệnh lần đầu tiên xuất hiện này, nhiều biện pháp được đưa ra như kiểm tra, theo dõi, cách ly, đeo khẩu trang, những  thông điệp chống vi rút được truyền thông một cách rõ ràng. Các quốc gia này còn sử dụng công nghệ hiện đại để theo dõi các trường hợp tiếp xúc, thực hiện cách ly. Ngược lại, ở phương Tây nơi được cho là không có nhiều dịch bệnh do lây nhiễm, nhiều người đã phủ nhận sự nguy hiểm của COVID-19. Ngay cả khi hiện nay ở phương Tây có hàng chục nghìn ca tử vong do COVID-19 (Mỹ đã ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc, hơn 230.000 ca tử vong, Vương quốc Anh đã ghi nhận hơn 44.000 ca), nhiều người ở phương Tây đã bác bỏ các biện pháp kiểm soát lây nhiễm và cách ly.

Việt Nam- câu chuyện thành công về chống dịch COVID-19

Nhìn sâu vào những gì các quốc gia châu Á đã làm và cho thấy vô cùng chính xác trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Tại thành phố Kashgar, thủ phủ của tỉnh Tân Cương, Trung Quốc, nơi 165 trường hợp không có triệu chứng được phát hiện vào cuối tuần trước. Chính phủ Trung Quốc lập tức cho xét nghiệm 2,8 triệu người. Hay ở  thành phố cảng Thanh Đảo của Trung Quốc, nơi đầu tháng này đã xét nghiệm tới 9 triệu người trong 5 ngày (tức là 1,8 triệu người một ngày) sau khi phát hiện 12 trường hợp COVID-19.  Nhìn chung, xét nghiệm diện rộng ở Trung Quốc đã  cho thấy hiệu quả. Giờ đây, cuộc sống tại Trung Quốc gần như quay trở lại những ngày trước. Một số người thậm chí đã đến du lịch Vũ Hán, nơi trước đây từng được coi là khởi nguồn của đại dịch.

Cách làm của Việt Nam

Vậy thử nghiệm hàng loạt quy mô lớn giống Trung Quốc có phải là con đường duy nhất phòng ngừa dịch bệnh? Tại  Việt Nam đã có một phương pháp kiểm soát COVID-19 khác, nhưng cực kỳ hiệu quả. Đất nước có 96 triệu dân và chỉ có 1.168 trường hợp mắc và 35 trường hợp tử vong. Việt Nam  không có đủ điều kiện để thử nghiệm hàng loạt nhưng quốc gia này đã tiến hành truy vết các ca bệnh hoặc các trường hợp tiếp xúc với người mắc bệnh ở mức độ F4, từ đó cách ly phòng bệnh. Ngoài ra Việt Nam còn có ứng dụng truy vết ca bệnh cũng hiệu quả.

Việt Nam có đường biên giới dài 1.300 km với Trung Quốc và giao lưu thương mại gần gũi với Trung Quốc.  Tuy nhiên, phản ứng nhanh hơn bất cứ quốc gia nào khác, ngay cả trước khi Tổ chức y tế thế giới tuyên bố đại dịch,  Việt Nam đã đình chỉ các chuyến bay đi và đến Trung Quốc bởi Việt Nam đã có kinh  nghiệm trong ứng phó với dịch SARS và MERS.  Mọi thông tin về dịch bệnh ở Việt Nam được công bố một cách minh bạch.

Trở lại thời gian trước, hãy xem phản ứng đầu tiên của phương Tây đối với đại dịch là gì? Những quốc gia phương Tây đã bỏ qua các bài học từ đợt dịch SARS và MERS. Hai quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh là Mỹ và Anh đã không coi COVID-19 như một mối đe dọa, họ mất thời gian để kiềm chế dịch bệnh.

Sau đợt dịch COVID-19 đầu tiên với việc nới lỏng các biện pháp hạn chế giờ đây, phương Tây đang hứng chịu tiếp hậu quả chết người của virus SARS-CoV-2. Liệu số ca  tử vong lớn có ảnh hưởng đến suy nghĩ cá nhân  của phương Tây?  Nhà virus học hàng đầu Shahid Jameel cho biết: “Một điểm khác biệt rất quan trọng là Đông Á có văn hóa đeo khẩu trang khi bị cảm lạnh. Điều đó không giống như ở phương Tây”.

Ngay từ đầu các nước phương Tây chú trọng tới việc tăng số giường bệnh, các cơ sở cấp cứu và số lượng máy thở trong khi ở Anh và Mỹ, việc xét nghiệm, truy tìm tiếp xúc mờ nhạt và gần như không có trong hoạt động chống dịch.  Tổng thống Mỹ D.Trump đã từng từ chối việc đeo khẩu trang, cách chống dịch COVID-19 của người đứng đầu nước Mỹ cũng đi ngược lại với lời khuyên của các chuyên gia y tế. Tiến sĩ về bệnh truyền nhiễm  Anthony Fauci cho biết: “Việc phải phong tỏa nhiều nơi“ là do người dân không thực hiện các biện pháp y tế công cộng đơn giản…”.

Câu chuyện chống dịch như như trên xuất hiện nhiều ở các nước phương Tây khác ngoại trừ Đức, nước đã khởi xướng các bước chống lại COVID-19 từ ngày 1/2, tuy nhiên đến nay trước diễn biến của dịch COVID-19 ở châu Âu, các nhà lãnh đạo Đức cũng cảnh báo nguy cơ dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát do các cuộc tụ tập đông người và các hạn chế thời gian qua khiến người dân quá “mệt mỏi”.

Ở Ấn Độ, khi  mùa lễ hội tới, người dân lo lại sẽ có một đợt dịch mới xuất hiện, số ca mắc mới sẽ tăng đột biến. Các chuyên gia cho  rằng một đợt sóng thứ hai có thể sắp xảy ra.

Những kinh nghiệm và các bài học ở trên cho thấy rằng, một quốc gia khi bỏ ra một khoản tài chính vào việc kiểm tra hàng loạt, truy tìm và cách ly tốt hơn nhiều so với khoản trợ cấp để vực dậy nền kinh tế đang sụp đổ vì dịch bệnh liên tục tấn công, các quốc gia này mất nhiều thời gian để trở lại cuộc sống bình thường. Như tại Hàn Quốc, nền kinh tế Đông Bắc Á này vừa đạt được mức tăng trưởng theo quý là 1,9%, trong khi con số này ở Trung Quốc là 4,9%. Những nước kiểm soát dịch COVID-19 nhanh nhất sẽ phục hồi nhanh nhất.


Hải Yến
Ý kiến của bạn