Ðừng nhầm lẫn bệnh sốt mò là sốt rét

31-05-2011 16:52 | Tin nóng y tế
google news

Một người bệnh 46 tuổi ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đi lao động ở Lào về bị sốt, đến trạm y tế được chẩn đoán sốt rét. Sau 3 ngày điều trị không khỏi, bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện huyện.

Một người bệnh 46 tuổi ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đi lao động ở Lào về bị sốt, đến trạm y tế được chẩn đoán sốt rét. Sau 3 ngày điều trị không khỏi, bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện huyện. Tại đây, người bệnh được khám, xét nghiệm, phát hiện bị bệnh sốt mò, không phải mắc bệnh sốt rét và đã được điều trị khỏi.

Một nhóm côn trùng mò có tên khoa học là Thrombicula thường truyền bệnh sốt phát ban do bị nhiễm loại Rickettsia tsutsugamushi, còn gọi là Rickettsia orientalis. Bệnh sốt mò còn có các tên gọi khác như bệnh sốt phát ban bụi rậm, bệnh ngứa ngáy bụi rậm vì những vết đốt máu của ấu trùng mò có thể gây nên ngứa ngáy dữ dội, da bị kích thích và nổi mẩn ngứa.Tổn thương do bị mò đốt thường thấy ở mắt cá chân, thắt lưng, chỗ quần áo bó sát vào da...; nơi bị đốt da hơi sưng và đỏ. Ở giữa điểm đỏ là vị trí của ấu trùng. Vì ấu trùng mò không nhìn thấy bằng mắt thường nên hầu hết mọi người đều không thấy được sự có mặt của chúng cho đến khi thấy xuất hiện có vết đốt.
 Ấu trùng mò Thrombicula .

Bệnh do Rickettsia tsutsugamushi gây nên sốt cấp tính, đau đầu dữ dội và nổi hạch. Ở chỗ mò đốt, lúc đầu có một tổn thương gồm một vết loét có đóng vảy trên da rất điển hình, sau đó bắt đầu sốt. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, tỷ lệ tử vong của bệnh sốt mò có thể chiếm khoảng từ 1 đến 60%.

Bệnh sốt mò hay sốt phát ban bụi rậm thường xảy ra khá phổ biến ở các vùng miền quê xa xôi hẻo lánh, đời sống kinh tế còn thấp tại một số nước châu Á và châu Úc. Bệnh hay gặp ở những người có hoạt động kiểm tra hoặc làm việc trong các vùng bị nhiễm mò như bụi rậm, bãi đất, rừng phát quang, rừng trồng lại; các khu định cư mới và những vùng sa mạc hoang hóa mới được tưới nước.

Điều trị bệnh sốt mò khá đơn giản bằng cách sử dụng loại kháng sinh thông thường như tetracycline hoặc dẫn xuất của nó như doxycycline... Phòng ngừa mò đốt bằng cách tránh tiếp xúc với mò. Đối với ấu trùng mò, có thể phòng chống bằng phương pháp phun tồn lưu hóa chất diệt côn trùng ở trong rừng hoặc vùng cây bụi mặc dù khá tốn kém.

Biện pháp phòng bệnh có hiệu quả nhất là tránh tiếp xúc ở những vùng đất có mò hoạt động và dùng hóa chất xua côn trùng bôi vào da và quần áo. Những chỗ hở của quần áo có thể bôi hóa chất xua bằng tay hoặc bằng bình xịt. Các chất benzyl benzoat, dimethyl phtalat, deet, dimethyl carmabat và ethyl hexanediol có tác dụng xua rất tốt.

 Vết đốt của ấu trùng mò .

Trong những trường hợp phải thường xuyên tiếp xúc với nhiều vùng có mò hoạt động, cách phòng chống tốt nhất là tẩm quần áo bằng hóa chất và cho quần vào trong bít tất. Ở những vùng có thảm thực vật thấp, chỉ cần tẩm hóa chất phần dưới ống quần và bít tất là đủ. Quần áo có thể tẩm bằng một hoặc hợp chất của các loại chất xua côn trùng ở trên với một loại hóa chất thuộc nhóm pyrethroide tổng hợp sẽ có tác dụng tồn lưu, bảo vệ lâu hơn, thậm chí có khả năng tác dụng xua sau từ 1 đến 2 lần giặt. Các loại hóa chất deet (N,N-diethyl-3-toluamide) và dymethyl phtalate (DMP) đã tỏ ra có hiệu quả với tác dụng xua mạnh nhất đối với một số loài mò.

Trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét đã được Bộ Y tế ban hành vào cuối năm 2009 đã quy định: đối với những trường hợp người bệnh nghi ngờ mắc sốt rét nhưng kết quả xét nghiệm ký sinh trùng âm tính, cần phân biệt với sốt do các nguyên nhân khác như sốt xuất huyết Dengue, sốt thương hàn, sốt mò, cảm cúm, viêm họng, viêm amygdale... Vì vậy, các cơ sở y tế cần quan tâm đến vấn đề này để tránh sự nhầm lẫn.

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh         


Ý kiến của bạn