Nhưng đổi đời chưa thấy đâu, nhiều người lao động đã bị trúng bẫy của những kẻ lừa đảo. Đặc biệt, khi mạng xã hội phát triển, thủ đoạn của các đối tượng lại càng dễ dàng thực hiện hơn.
Thực tế, rất nhiều người lao động do tự ti về khả năng ngoại ngữ và đã từng phỏng vấn xin visa trượt, nên khi đọc được những dòng quảng cáo có cánh về việc xuất cảnh nhanh, công việc ổn định, lương cao, không đòi hỏi trình độ chuyên môn, ngoại ngữ,... đã tin tưởng và nhanh chóng nộp tiền đặt cọc cho doanh nghiệp quảng cáo, thế nhưng tiền đặt cọc trao xong thì doanh nghiệp cũng biến mất.
Chỉ cần vào công cụ tìm kiếm trên mạng internet có thể thấy vô số thông tin “tuyển dụng xuất khẩu lao động” quảng cáo việc đưa người đi xuất khẩu lao động, nhưng những thông tin này rất khó để phân biệt thật - giả. Theo cơ quan công an, những vụ việc nêu trên xảy ra tại nhiều địa bàn trên cả nước. Đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều chiêu trò đánh vào tâm lý muốn được đi nhanh, tiền lương cao của người lao động để lừa đảo.
Thậm chí, một số trang mạng xã hội thì tuyển dụng với các ngành nghề như: massage, phụ bếp, làm bánh mì và bán hàng, đồ lưu niệm... có nội dung khá hấp dẫn như: Bảo đảm đi sau khi hoàn thiện mọi thủ tục, tức xuất cảnh trong vòng 10-15 ngày. Nếu ứng viên ở Hà Nội sẽ được miễn phí khám sức khỏe, tiền xe đưa ra sân bay, lương cơ bản cao... Nếu nhẹ dạ dễ dẫn đến sập bẫy kẻ xấu. Liên quan đến vấn đề này, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), pháp luật của Việt Nam không cho phép các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở các nước khác theo dạng hợp đồng tư vấn dịch vụ, hỗ trợ visa. Tuy nhiên, thời gian qua, có rất nhiều trang web đưa các thông tin đăng tuyển lao động đi làm việc. Hầu hết các trang web này đều là những trang không chính thống hoặc thông tin được đưa bởi những công ty không có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp. Do đó, người lao động cần cảnh giác với các thông tin tuyển lao động.
Theo tìm hiểu tại các địa phương, từ đầu năm 2017 đến nay ở nhiều tỉnh cũng xảy ra tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động như tại Quảng Bình, Đăk Lăk, Phú Thọ, Hà Nội... nhiều người dân điêu đứng vì bị lừa đảo khi quá tin lời cò mồi, công ty “ma”.
Đi làm việc tại nước ngoài để “đổi đời” là nguyện vọng chính đáng của người lao động. Tính đến nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã rút giấy phép nhiều doanh nghiệp do vi phạm hoặc không đủ điều kiện. Tất cả những thông tin này đều có trên website của Cục Quản lý lao động ngoài nước. Để tránh bị lừa, các cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân, những ai có nhu cầu đi lao động thì nên tìm hiểu hoạt động của doanh nghiệp đó qua website của Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc Sở Lao động thương binh xã hội của địa phương mình đang sinh sống nhằm hạn chế rủi ro, tránh tiền mất mà không có việc.