Ứng dụng vi phẫu nối thành công nhiều ca đứt rời chi

07-05-2015 21:35 | Thời sự
google news

SKĐS - Bệnh viện đa khoa Trung ương (BVĐKTW) Thái Nguyên là bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên...

Bệnh viện đa khoa Trung ương (BVĐKTW) Thái Nguyên là bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đảm trách công tác khám chữa bệnh cho các tỉnh miền núi phía Bắc và một phần Đông Bắc. Là cơ sở y tế thuộc Bộ, bệnh viện đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới, khó trong đó phải kể đến kỹ thuật nối các chi bị đứt rời do tai nạn lao động hoặc tai nạn giao thông hay gặp trong khu vực.

Nối cánh tay bị đứt rời do bị tai nạn lao động. (Ảnh do BV cung cấp)

Ứng dụng vi phẫu thuật nối các phần cơ thể đứt rời hoặc điều trị các tổn thương đứt mạch máu, dây thần kinh là một trong những thành công lớn giúp phục hồi vận động cho nhiều bệnh nhân bị tai nạn nghiêm trọng, thường xuyên được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện.

Vi phẫu thuật là những phẫu thuật sử dụng đến kính hiển vi với độ phóng đại thông thường từ 10 - 20 lần và thậm chí đến 40 lần để phẫu tích, khâu nối những mạch máu, thần kinh có kích thước chỉ khoảng 1mm, đường kính chỉ từ 15 - 42 micron tương đương 1/10 đường kính của sợi tóc.

Cách đây hơn 5 năm, trước thực tế các ca chấn thương đứt rời chi liên tiếp được đưa vào cấp cứu nhưng bệnh viện chỉ làm sơ cứu ban đầu rồi chuyển bệnh nhân lên Hà Nội cách 60km vừa tốn kém cho người bệnh, vừa dễ xảy ra những biến chứng khó lường trong quá trình chuyển viện, bệnh viện đã mạnh dạn cử lớp bác sĩ trẻ thuộc thế hệ 7X và 8X đi học ở tuyến trên. Sau quá trình học tập và được các thầy trực tiếp về chuyển giao kỹ thuật ngay tại bệnh viện, cán bộ thầy thuốc của Khoa Chấn thương chỉnh hình đã làm chủ được kỹ thuật vi phẫu nối liền các chi bị đứt rời.

Ca phẫu thuật lần đầu tiên thành công nối cánh tay trái bị đứt rời cho một bệnh nhân tai nạn lao động. Bệnh nhân là chị Dương Thị Lan, 38 tuổi, xóm Thái Sơn 2, xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên). Trước đó, chị Lan trong lúc lao động, điều khiển máy khoan giếng thì bị cuốn chiếc áo khoác ngoài vào máy dẫn đến cánh tay bị máy khoan nghiến, đứt lìa khỏi cơ thể, giập nát, xương cẳng tay bị gãy thành nhiều khúc. Sau hơn 5 giờ đồng hồ vi phẫu nối mạch máu, các dây thần kinh, nối cơ, gân, xương, các bác sĩ BVĐKTW Thái Nguyên đã nối liền cánh tay của bệnh nhân thành công. Gần 1 năm sau, phần cánh tay được vi phẫu nối lại của bệnh nhân đã bình phục. Đây là thành công đầu tiên của các bác sĩ bệnh viện trong lĩnh vực vi phẫu nối chi đứt rời, đưa BV trở thành cơ sở y tế đầu tiên trên địa bàn ứng dụng thành công vi phẫu.

Kể từ đó đến nay, BVĐKTW Thái Nguyên đã ứng dụng vi phẫu điều trị cho hàng trăm bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân bị đứt rời chi hoặc đứt mạch máu, dây thần kinh quan trọng phục hồi khả năng vận động, lao động bình thường. Trao đổi với chúng tôi, BS. Hoàng Văn Dung - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết: Một khối cơ trên cơ thể bao gồm các bó cơ, các động mạch, tĩnh mạch, các dây thần kinh vận động và cảm giác. Cơ cần động mạch và tĩnh mạch vận chuyển máu nuôi sống nhưng để cơ thật sự tồn tại và phát huy tác dụng cho cơ thể thì phải cần đến các dây thần kinh. Nếu vì lý do nào đó các dây thần kinh bị tổn thương thì cơ không thể điều khiển được rồi teo dần đi vì không được sử dụng (dù vẫn được máu nuôi sống). Dây thần kinh rất nhỏ muốn nhìn thấy nó phải dùng kính hiển vi chuyên dụng. Để nối dây thần kinh cần có những sợi chỉ, mũi kim, dao mổ chuyên dụng... Tất cả những điều trên đều thuộc chuyên môn của Khoa Vi phẫu.

Để triển khai được vi phẫu và đưa vào vận dụng thường quy, BVĐKTW Thái Nguyên đã chuẩn bị phương tiện, tổ chức định hướng các kíp bác sĩ học tập kỹ thuật vi phẫu ở các cơ sở y tế đầu ngành, có nhiều năm kinh nghiệm triển khai vi phẫu. Hiện, trung bình mỗi năm BVĐKTW Thái Nguyên thực hiện khoảng 50 ca vi phẫu các loại bao gồm: nối chi đứt rời; nối mạch máu, gân, dây thần kinh vận động; chuyển vạt che xương hở...

ThS.BS. Nguyễn Thanh Tùng là một trong số những bác sĩ tham gia phát triển các kỹ thuật chuyên sâu vi phẫu. BS. Tùng bắt đầu tham gia các vi phẫu tại BV từ năm 2012 và đến nay đã là một trong những bác sĩ chính thực hiện các ca vi phẫu. Năm 2012, BS. Nguyễn Thanh Tùng bảo vệ thành công đề tài cao học về nội dung ứng dụng vi phẫu nối dây thần kinh cho bệnh nhân đứt thần kinh hông khoeo ngoài. Theo BS. Tùng, tại khu vực hông khoeo ngoài, tổ chức thần kinh ít, khả năng nuôi dưỡng kém, tế bào mô mỡ nhiều dẫn tới khả năng nối hiệu quả thấp. Tuy nhiên, nếu không thực hiện vi phẫu nối dây thần kinh, người bệnh có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng vận động chân. Trong nhiều tài liệu, các nhà nghiên cứu khuyến cáo nên chọn phương pháp chuyển gân để điều trị, tuy nhiên, hiệu quả phục hồi vận động không cao. Qua hồi cứu 43 ca bệnh nhân vi phẫu nối dây thần kinh cho bệnh nhân đứt thần kinh hông khoeo ngoài tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, BS. Tùng phát hiện tỷ lệ hồi phục của các bệnh nhân sau vi phẫu lên tới 68,8%. Chính vì vậy, anh đã tìm hiểu sâu và áp dụng vi phẫu nối dây thần kinh cho bệnh nhân đứt thần kinh hông khoeo ngoài thành công ngay tại BVĐKTW Thái Nguyên.

Theo BS. Hoàng Văn Dung, khi triển khai vi phẫu, các bác sĩ không chỉ gặp “khó” trong những trường hợp cá biệt mà còn gặp khó trong những ca vi phẫu nối mạch máu, dây thần kinh cẳng tay thông thường như trường hợp bệnh nhân Dương Phúc Huy (3 tuổi), là con của anh Dương Văn Cảnh, 34 tuổi, ở xóm Tân Lập, xã Phú Xuyên (Đại Từ). Cháu Huy trong lúc chơi đùa tại nhà đã vấp ngã và bị mảnh cốc thủy tinh vỡ cứa rách một vệt dài ngang cổ tay gây đứt cả thần kinh giữa, thần kinh trụ và hai động mạch nuôi dưỡng bàn tay. Đây là hai thần kinh quan trọng quyết định khả năng co, duỗi các ngón tay. Khác với người trưởng thành, mạch máu và dây thần kinh của cháu Huy còn nhỏ khiến kíp mổ phải mất gần 5 tiếng để hoàn thành ca phẫu thuật. Sau gần 1 năm phẫu thuật thành công, tay cháu Huy đã phục hồi tốt, cầm nắm đồ chơi bình thường.

Các tai nạn đứt rời chân, tay, tai, mũi, da đầu... đều có thể phẫu thuật nối liền lại. Khi có tổn thương đứt rời, nên cho phần đứt rời vào túi nilông sạch thổi căng hơi, buộc kín lại và nếu có thể thì bọc trong miếng gạc. Sau đó lại đặt vào một túi nilông khác buộc kín bỏ vào thùng nước đá, giữ ở nhiệt độ 4-100C. Tuyệt đối tránh để phần đứt rời tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh gây bỏng lạnh, dễ làm mạch máu và dây thần kinh bị hỏng. Các cơ quan bộ phận bị đứt lìa chỉ bảo quản trong giới hạn 6 giờ thì khi nối lại mới đảm bảo sống và phục hồi các chức năng. Từ 6 - 10 giờ, các tế bào bắt đầu bị phân hủy, nên khó có cơ hội sống sau nối mạch.

(BS. Hoàng Văn Dung, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình – BVÐKTW Thái Nguyên)

Lê Tâm

 

 


Ý kiến của bạn
Tags: