Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ là một trong những đơn vị đầu tiên tại Việt Nam triển khai phần mềm RAPID. Việt Nam là quốc gia thứ 3 tại Đông Nam Á sau Thái Lan và Indonesia áp dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ.
Th.S. BS. Nguyễn Quang Ân - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ đọc kết quả sau khi sử dụng phần mềm RAPID
Theo GS.TS. Nguyễn Văn Thông – Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, số người bị đột quỵ không ngừng gia tăng với khoảng 200 nghìn người mắc mới, 90% trong số đó mắc di chứng. nguy hiểm hơn người bệnh phải đối mặt với nguy cơ tái phát bệnh và tử vong cao. Bệnh có thể xảy ra với tất cả mọi người, mọi ngành nghề và mọi lứa tuổi. Đáng chú ý, ngày nay các trường hợp đột quỵ ngày càng được trẻ hóa, thậm chí có vài trường hợp mới 18-20 tuổi.
Hầu hết các trường hợp đột quỵ phổ biến nhất là đột quỵ não tức tai biến mạch máu não, xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần bộ não bị đột ngột ngừng trệ. Hiện nay, mục tiêu phổ biến nhất trong việc điều trị là tái thông mạch máu càng sớm càng tốt: Bằng liệu pháp tan cục máu đông (rTPA) cho những người bệnh đến bệnh viện sớm trong giờ vàng (dưới 4.5 giờ sau khi bị đột quỵ) và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học (dưới 6 giờ sau khi bị đột quỵ). Tuy nhiên, các phương pháp này có nhược điểm rất lớn đó là thời gian rất ít.
Công nghệ RAPID có thể đưa "thời gian vàng" trong điều trị đột quỵ thêm 18 giờ
“Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận khoảng 250 ca bệnh đột quỵ mỗi tháng, trong số đó, chỉ có 5% người bệnh được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng”, tức khoảng từ 4 - 6 giờ sau khi khởi phát các triệu chứng đột quỵ và cũng là khoảng thời gian tối đa cho phép người bệnh đến điều trị, 95% còn lại bác sĩ sẽ không thể làm gì hơn.
Nhưng với công nghệ RAPID có thể kéo dài “thời gian vàng” lên đến 24 giờ, tức tăng hơn 18 giờ so với trước kia. Kết quả hình ảnh chụp MRI não của người bệnh được đưa vào phần mềm này sẽ giúp các bác sĩ xác định những vùng não bị tổn thương. Bác sĩ cũng thấy được vùng tranh tối tranh sáng, những vùng nhu mô não sẽ chết trong những giờ tiếp theo vốn rất khó xác định bằng các phương pháp hình ảnh học thông thường. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp” - ThS.BS Nguyễn Quang Ân – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết.
Được biết đã có hơn 60 ca bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ được ứng dụng trí tuệ nhân tạo RAPID. Hiệu quả mang lại rất khả quan, sau khi có kết quả chụp CT, MR được các kĩ thuật viên Khoa Chẩn đoán hình ảnh thực hiện cùng phần mềm RAPID, bác sĩ lâm sàng sẽ đưa ra quyết định có nên sử dụng kỹ thuật cao để tái thông, làm tan cục máu đông, hồi phục tổn thương, hạn chế di chứng yếu liệt cho người bệnh hay không.
Với những trường hợp xuất huyết não, phần mềm này giúp đo thể tích khối máu tụ, bác sĩ tiên lượng được chính xác khối máu tụ, nâng cao hiệu quả điều trị.
RAPID được phát triển bởi Đại học Stanford - Hoa Kỳ hiện phổ biến trên toàn thế giới với 1.200 bệnh viện, lắp đặt tại 40 quốc gia. Theo số liệu công bố tại nhiều nước trên thế giới, trong 100 ca áp dụng phần mềm RAPID có thể điều trị thành công 49 ca, nhưng nếu không có phần mềm này, chỉ có 19 ca điều trị thành công.