Hà Nội

Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

13-03-2017 13:57 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Hiện nay, trên thế giới liệu pháp tế bào gốc đã được nghiên cứu sử dụng để điều trị rất nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có các bệnh lý phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), xơ phổi, bệnh bụi phổi, tổn thương phổi cấp tính.

Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị

Tế bào gốc được lấy từ bệnh nhân có khả năng thay thế những tế bào trong cơ thể, bao gồm tế bào phổi, mạch máu, biểu mô... Những tế bào chưa biệt hóa này sẽ giúp cơ thể sửa chữa tổn thương, thay thế tế bào hỏng bằng tế bào mới và điều hòa hệ thống miễn dịch, giảm quá trình viêm.

Tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang ngày càng gia tăng do các vấn đề ô nhiễm môi trường và vấn nạn về hút thuốc, bệnh thường tiến triển nặng dần dẫn đến chất lượng sống giảm sút. Mặc dù đã xuất hiện nhiều loại thuốc mới làm tăng hiệu quả điều trị đối với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế với những trường hợp bệnh ở giai đoạn nặng và rất nặng. Liệu pháp tế bào gốc là một trong những phương pháp điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mới giúp làm giảm triệu chứng và ngăn chặn quá trình tiến triển của bệnh. Ưu điểm của phương pháp này so với phương pháp điều trị truyền thống chính là tác động vào cơ chế bệnh sinh bằng phương pháp sinh học giúp trì hoãn hay đẩy lùi những tổn thương mới. Do đó, cuộc sống của các bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được cải thiện.

Cơ chế điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bằng tế bào gốc bao gồm ức chế đáp ứng viêm bất thường, ức chế sự chết theo chương trình của tế bào phổi. Hiện nay, các nghiên cứu trên thế giới đang triển khai sử dụng tế bào gốc trung mô được thu nhận từ mô mỡ, tủy xương để sử dụng trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tế bào gốc trung mô được tìm thấy tại tủy xương, mô mỡ, tủy răng và dây rốn, với khả năng nhân đôi, khả năng di chuyển tới vùng tổn thương và khả năng điều hòa miễn dịch. Ứng dụng trong y học tái tạo y văn thế giới khẳng định tế bào gốc trung mô là loại tế bào gốc có tính an toàn cao, không gây tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi ghép.

Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tínhHình cảnh lâm sàng trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Và những kết quả ban đầu

Kết quả các nghiên cứu cho thấy sự cải thiện sau điều trị tế bào gốc ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính về các vấn đề sau: Giảm đáp ứng viêm bất thường; Giảm khó thở; Cải thiện khả năng gắng sức, phục hồi khả năng hoạt động, tăng cường sinh lực; Cải thiện giấc ngủ; Giảm số lần nhập viện/số cơn kịch phát.

Với những thành công bước đầu của một số nghiên cứu về điều trị tế bào gốc cho các bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cùng với những bước tiến đáng kể của nền y học trên thế giới về phát triển công nghệ tế bào gốc, nhiều nhà khoa học đang tiếp tục triển khai các nghiên cứu với quy mô lớn hơn để chứng minh vai trò của tế bào gốc từ mô mỡ và tủy xương trong điều trị bệnh lý này.

Nghiên cứu điều trị tế bào gốc cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Việt Nam đang là hướng đi mới với nhiều triển vọng. Năm 2015, Bệnh viện Vạn Hạnh bước đầu nghiên cứu đánh giá vai trò của tế bào gốc từ mô mỡ tự thân trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, kết quả nghiên cứu bước đầu chưa thấy có biến cố bất lợi nào liên quan đến truyền tế bào gốc tự thân từ mô mỡ. Do đó, cần thiết tiến hành nhiều nghiên cứu để tìm kiếm một phương pháp mới có hiệu quả cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không đáp ứng với các điều trị tối ưu khác và làm tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo trong việc điều trị các bệnh lý phổi mạn tính. Liệu pháp tế bào gốc trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là liệu pháp điều trị đầy hứa hẹn trong hiện tại và tương lai.

Bệnh viện Bạch Mai sắp tới sẽ triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân từ mô mỡ và tủy xương trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính” đã được Bộ Khoa học Công nghệ phê duyệt. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là hướng điều trị triển vọng cho các bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là dự phòng bệnh bằng cách không hút thuốc lá thuốc lào, giảm tiếp xúc với khói bụi, ô nhiễm môi trường...


PGS.TS. Phan Thu Phương
Ý kiến của bạn