Chúng có thể tự phân chia và tái tạo trong thời gian dài; có tiềm năng vượt trội để trưởng thành và phát triển thành nhiều loại tế bào và mô khác nhau… được ứng dụng trong điều trị nhiều bệnh, nhất là những bệnh như các bệnh về di truyền, miễn dịch, thoái hóa, bệnh mạn tính, tổn thương, ung thư…
Tế bào gốc từ răng sữa
Răng sữa của trẻ em đặc biệt là phần tủy răng là một bộ phận chứa nguồn tế bào gốc quan trọng của con người. Mỗi người đều có 20 răng sữa và khi chúng rụng đi, các tế bào gốc có thể lấy được một cách tự nhiên mà không cần can thiệp nhiều từ y tế. Mỗi răng sữa sau ba tuần nuôi cấy có thể cho ra 10 triệu tế bào. Đến nay đã có khoảng 1.000 công trình nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tủy răng được công bố trên thế giới. Các nghiên cứu cho thấy, tế bào gốc từ tủy răng có khả năng hóa thành các tế bào chuyên biệt để chữa trị các bệnh về răng, bệnh tiểu đường typ 1, bệnh tim mạch, các bệnh về gan, cơ, xương, thần kinh, giác mạc và chữa lành vết thương trên da. So với tế bào gốc lấy từ tủy xương, mô mỡ thì tế bào gốc từ tủy răng có khả năng biệt hóa thành tế bào gốc thần kinh vượt trội hơn hẳn.
Tế bào gốc phát triển thành nhiều tế bào khác nhau.
Điều trị bệnh bạch cầu ở trẻ sơ sinh
Bệnh bạch cầu là một loại ung thư máu và nó bắt đầu từ trong tủy xương - nơi tế bào gốc bắt nguồn. Hiện nay điều trị bạch cầu truyền thống thường bằng phương pháp kết hợp hóa trị và xạ trị. Nhưng mới đây, các bác sĩ tại Bệnh viện Great Ormond Street, London (Anh) cho biết họ đã chữa khỏi cho bệnh nhân là trẻ sơ sinh mắc bệnh bạch cầu bằng cách sử dụng tế bào gốc. Theo Technology Review đưa tin: Các bác sĩ đã tiến hành lấy tế bào gốc từ người hiến tặng sau đó biến đổi chúng trước khi đưa vào cơ thể người bệnh. Những tế bào gốc sau khi được biến đổi có khả năng tấn công tế bào ung thư. Nhóm các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Great Ormond Street, Anh hy vọng rằng, việc lấy tế bào gốc từ người hiến tặng sau đó biến đổi gene thành hàng trăm liều tế bào chống ung thư sẽ giúp tạo ra một phương pháp điều trị có sẵn cho bệnh nhân ung thư.
Tế bào gốc điều trị bệnh đái tháo đường
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Y Washington, ở St. Louis và Đại học Harvard cho thấy, có thể thay đổi tế bào gốc từ da của bệnh nhân tiểu đường thành tế bào tiết insulin. Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường typ 1 không thể tạo ra insulin đó là lý do tại sao người bệnh phải tiêm insulin vào cơ thể mỗi ngày. Liệu pháp tế bào gốc được các nhà khoa học đánh giá là phương pháp điều trị tiểu đường có ưu thế nhiều hơn so với các phương pháp cũ. Bởi liệu pháp tế bào gốc có thể biệt hóa ngang thành các loại tế bào có khả năng tiết ra insulin, các tế bào mô mạch máu và các tổ chức tế bào khác. Người bệnh sẽ được đưa một lượng tế bào gốc tự thân nhất định vào tổ chức tuyến tụy thông qua động mạch và dưới sự định hướng của các vi môi trường tổ chức tuyến tụy, các tế bào gốc biệt hóa tăng sinh thành các tế bào giống như các tế bào đảo tụy. Chúng sẽ thay thế các tế bào đảo tụy beta bị tổn thương, tiết insulin, phục hồi tế bào beta, xây dựng lại chức năng đảo tụy nội tiết. Mặc dù phương pháp điều trị này vẫn đang được nghiên cứu, nhưng nếu thành công sẽ giúp bệnh nhân tiểu đường có thể kiểm soát lượng đường trong máu mà không cần dùng thuốc.
Tái tạo trí não của bệnh nhân chết não
Các tế bào gốc theo lý thuyết có thể biến đổi thành bất kỳ loại tế bào nào có thể biến đổi thành tế nào não. Một dự án được thực hiện bởi các nhà khoa học Mỹ, dự định tái sinh tế bào não của 20 bệnh nhân đã được tuyên bố chết não từ những chấn thương sọ não để xem xét liệu hệ thần kinh trung ương có thể phục hồi hay không. Kỹ thuật tái tạo sử dụng kết hợp giữa tế bào gốc và kích thích laser được kỳ vọng sẽ mang lại kết quả sau 2-3 tháng. Quá trình tái tạo phức tạp này bao gồm việc tiêm tế bào gốc vào não và sử dụng tia laser cùng kỹ thuật kích thích thần kinh vốn được áp dụng thành công trên người bị hôn mê. Tiếp đó, bệnh nhân sẽ được theo dõi trong vài tháng để tìm kiếm các dấu hiệu tái sinh. Nghiên cứu này đưa đến ý tưởng về phương pháp điều trị cho bệnh nhân hôn mê hoặc mắc các chứng thoái hóa như Alzheimer, Parkinson.