Ứng dụng robot 1 cánh tay vào phẫu thuật nội soi bụng ở Thanh Hóa

25-09-2019 13:55 | Tin nóng y tế

SKĐS - Cùng với nhiều kỹ thuật hiện đại và chuyên sâu được ứng dụng thành công ở BVĐK Thanh Hóa như: Ghép thận từ người cho sống; Cấp cứu và điều trị đột quỵ não cấp; Đặt coil điều trị phình động mạch não; Đổ xi măng cột sống số hóa xóa nền…Nay còn có thêm kỹ thuật mới là ứng dụng robot 1 cánh tay vào phẫu thuật nội soi bụng trong tiết niệu. Từ các kỹ thuật này, mở ra nhiều kỳ vọng điều trị các bệnh khó ở ngay tuyến tỉnh, giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên.

Ghép thận từ người cho sống

Từ năm 2018, BVĐK Thanh Hóa đã triển khai thành công ca ghép thận đầu tiên. Từ đó đến nay đã có 4 ca được thực hiện với sự hỗ trợ của các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành về ghép thận. Đặc biệt, sau mỗi ca ghép, cả người cho lẫn người nhận đều phục hồi nhanh, sức khỏe ngày càng trở nên tốt đẹp, không có bất cứ biến chứng nào xảy ra. Nối tiếp thành công này, BVĐK Thanh Hóa còn đưa vào ứng dụng robot 1 cánh tay để phẫu thuật nội soi tiết niệu cho nhiều ca bệnh khó. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục như mong đợi, không có các sự cố đáng tiếc xảy ra.

Là căn bệnh khó, hiểm hóc đó là cấp cứu đột quỵ não bệnh viện cũng đã triển khai điều trị. Theo các bác sĩ, bệnh nhân cần được chẩn đoán nhanh và đưa ngay đến bệnh viện có đủ khả năng chữa trị. Bệnh nhân đến viện sớm sẽ có cơ hội được chữa trị tốt nhất, giúp nâng cao đáng kể khả năng phục hồi sau đột quỵ. Qua đó, Hội thảo truyền tải thông điệp “Thời gian là não” tới mọi thành viên tham gia, nhằm nâng cao ý thức của các bác sỹ trong toàn tỉnh về “Tiết kiệm thời gian là cứu mạng người bệnh”.

Nếu làm tốt việc phát hiện sớm, cấp cứu ngay trong những giờ đầu tiên sau khi phát bệnh thì cơ hội để trở về cuộc sống bình thường sau đột quỵ sẽ nhiều hơn rõ rệt. Như vậy, bệnh nhân đột quỵ não cần đưa đến viện ngay lập tức trong giai đoạn còn có khả năng cứu chữa, tốt nhất là dưới 3 giờ, tối đa 6 giờ. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã có đầy đủ khả năng, đội ngũ thầy thuốc lành nghề, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng cấp cứu tốt nhất cho bệnh nhân.

Nhiều kỹ thuật khác cũng đã được ứng dụng như: Gây mê tĩnh mạch có kiểm soát nồng độ đích; Tán sỏi đường mật qua da; Chọc hút tuyến giáp dưới hướng dẫn của siêu âm; Tiêm thẩm phân giảm đau dưới hướng dẫn; Đốt sóng cao tần điều trị các U tạng dưới hướng dẫn; Điều trị suy tĩnh mạch bằng laser nội mạch; Điều trị suy tĩnh mạch bằng năng lượng sóng tần số radio; Chụp và nút hệ tĩnh mạch cửa gan số hóa xóa nền; Chụp và nút động mạch điều trị cầm máu các tạng số hóa xóa nền…

Kỹ thuật ghép thận đã được thực hiện rất thành công ở Thanh Hóa

Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ người bệnh

Để phục vụ tốt người bệnh, kịp thời cấp cứu các ca bệnh khó, nửa năm 2019, Trung tâm Huyết học - Truyền máu của bệnh viện đã tuyên truyền vận động được 56 đợt hiến máu và đã tiếp nhận được 10,761 đơn vị máu, trong đó nguồn lấy từ người hiến máu tình nguyện 9,120 đơn vị, từ người nhà bệnh nhân 1,641 đơn vị; từ viện Huyết học và Truyền máu Trung ương là 1,650 đơn vị; sản xuất 2,662 đơn vị tiểu cầu pool và 250 đơn vị tiểu cầu máy máy và trên 5,000 các loại chế phẩm khác của máu như huyết tương tươi, tủa lạnh. Hưởng ứng chương trình hiến máu tình nguyện “Giọt hồng Blue trắng” của ngành y tế, Trung tâm Huyết học và Truyền máu đã lấy được 1,175 đơn vị máu, trong đó cán bộ viên chức Bệnh viện đã hiến 204 đơn vị.

Cùng với đó đã tiến hành thuê các máy móc thiết bị hiện đại phục vụ kịp thời cho công tác khám bệnh, chữa bệnh như: Máy xét nghiệm sinh hóa tự động kèm điện giải, Máy xét nghiệm huyết học tự động, Máy xét nghiệm đông máu, Máy định nhóm máu tự động, Máy phân tích miễn dịch tự động, Máy xét nghiệm Hemoglobin, Máy xét nghiệm đông máu COBAS T411, Hệ thống xét nghiệm sàng lọc NAT tự động COBAS S201, Hệ thống chẩn đoán phân tử Realtime PCR – ExiStation tự động, Hệ thống máy chụp Cắt lớp vi tính toàn thân đa lát cắt (CT-Scanner 32 lát cắt).

Để người bệnh không bỡ ngỡ khi đến khám, chữa bệnh, bệnh viện còn thiết kế vạch chỉ dẫn dưới nền nhà tại khoa Khám bệnh giúp bệnh nhân thuận lợi trong việc di chuyển; Bố trí sơ đồ Bệnh viện và trang bị thêm nhiều bảng hướng dẫn tại các hành lang; Tăng ghế ngồi chờ, quạt mát tại khu chờ; Phân luồng người bệnh làm các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh và siêu âm; Cải tiến việc lưu trữ phim chụp; Triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn người bệnh gồm: Xây dựng chương trình tập huấn an toàn người bệnh trong Bệnh viện, xây dựng quy trình báo cáo sự cố y khoa, triển khai các biển báo chống trượt ngã, mua mới các giường có thành chắn 2 bên...Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người bệnh nội trú, ngoại trú và nhân viên y tế định kỳ hàng quý tại các Khoa, Phòng, Trung tâm. Tiếp tục triển khai hậu kiểm hồ sơ bệnh án và quy chế Bệnh viện tại các Khoa, Phòng, Trung tâm, nâng cao chất lượng hồ sơ bệnh án, tránh thất thoát chi phí trong thanh toán viện phí và BHYT.


HÀ VĂN ĐẠO
Ý kiến của bạn