Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tiêu hóa trong và ngoài nước tới từ các viện nghiên cứu hàng đầu của các nước Anh, Brazil, Mỹ, Hongkong, Thụy Điển, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, và Tây Ban Nha…,
Phát biểu tại Hội nghị, GS, TS Đào Văn Long, Nguyên Giám đốc Bệnh Viện Đại Học Y Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật cho biết, vai trò của hệ vi khuẩn chí đường ruột trong một số bệnh lý tiêu hóa gan mật như ung thư đại trực tràng, viêm ruột mạn tính, gan nhiễm mỡ, ung thư mật tụy, đặc biệt ở một số bệnh lý đặc biệt như viêm ruột mạn tính đang là một hướng nghiên cứu mới đầy hứa hẹn, thu hút được quan tâm của các nhà khoa học trên toàn thế giới.
Cũng theo Gs. Long, thực tế, Việt Nam có rất ít nghiên cứu về hệ vi khuẩn đường tiêu hóa. Chúng ta chưa có những nghiên cứu xác định chủng vi sinh vật chủ yếu, chưa có ngân hàng về gen của hệ vi sinh vật.
Vì thế, nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu và các bác sĩ tiêu hóa là cần xác định các chủng chính trong hệ vi sinh đường tiêu hóa của người Việt; Hệ gen và việc xây dựng ngân hàng gen của những chủng vi sinh vật này, các bệnh lý liên quan đến hệ vi sinh đường ruột; vấn đề sử dụng các probiotic (các lợi khuẩn), các prebiotic (các chất giúp lợi khuẩn phát triển), simbiotic (lợi khuẩn kết hợp với chất giúp lợi khuẩn phát triển), trong đời sống và trong thực hành lâm sàng.
“Đây là một vấn đề mà chúng tôi đang nghiên cứu, với sự kết nối của nhiều ngành khoa học như vi sinh, dịch tễ học và lâm sàng. Nghiên cứu sâu này giúp chúng ta hiểu biết về chủng loại vi khuẩn thường hay mắc ở người Việt Nam, để tìm ra mối liên hệ giữa sự rối loạn các biến đổi của vi khuẩn với bệnh tật cụ thể. Kết quả của những nghiên cứu này sẽ hướng tới việc đưa lợi khuẩn can thiệp trực tiếp vào trong cách thức điều trị của một số bệnh”, GS Long cho hay.
GS, TS Đào Văn Long, Nguyên Giám đốc Bệnh Viện Đại Học Y Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật.
Cũng tại hội thảo, TS Đào Việt Hằng, Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật cho biết, viện đang hợp tác với Viện nghiên cứu sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ để nghiên cứu về vi khuẩn chí đường ruột ở nhiều vị trí tiêu hóa khác nhau với sự tham gia của 300 người khỏe mạnh. Sau đó, viện sẽ nghiên cứu nhóm đối tượng khoảng 100 người bệnh về bệnh lý gan nhiễm mỡ không do rượu.
Vừa qua, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật phối hợp với Đại học Essex, Vương quốc Anh đã thành công trong việc xin tài trợ từ quỹ nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Y học Anh quốc (AMS) cho một dự án nhằm triển khai những hướng đi mới trong nghiên cứu microbiome ở bệnh nhân IBD tại Việt Nam.
“Mục đích nghiên cứu của chúng tôi để xây dựng cơ sở dữ liệu về quần thể người Việt Nam khỏe mạnh, tiến tới nghiên cứu trên từng bệnh lý cụ thể. Hướng tiếp cận này sẽ trả lời câu hỏi liên quan đến sinh bệnh học cũng như sự khác biệt về đặc điểm dịch tễ lâm sàng các bệnh lý tiêu hóa. Từ đó, giúp các nhà lâm sàng tối ưu hóa điều trị”, TS Hằng cho hay.
Được biết, Hội nghị khoa học quốc tế “Thiết lập mạng lưới Microbiome toàn cầu” tập trung vào các vấn đề lớn: Các hướng chính về Microbiota đối với sức khỏe và bệnh tật của người ở Việt Nam, đặc biệt là bệnh lý về đường tiêu hóa, gan mật; Vai trò của việc thu thập bộ dữ liệu lớn về gen (ngân hàng gen) của hệ vi sinh đường ruột và các kỹ thuật giải trình tự gen - Mối tương tác của bộ gen vi sinh vật đường ruột với bộ gen của con người; Bệnh lý viêm ruột mạn tính và liên quan của hệ vi sinh đường ruột cũng như tình hình kiểm soát căn bệnh này tại Việt Nam và một số nước trong khu vực; Thảo luận cách thức và những bước đi hướng tới việc thiết lập một mạng lưới quốc tế về Microbiota;
Ngoài ra, còn tập trung vào vấn đề vai trò của hệ vi khuẩn chí trong bệnh gan mạn tính (ứ mật); Vai trò của mỡ phủ ngoài ruột ở bệnh Crohn’s; Chuyển hóa niêm mạc điều hòa tương tác vật chủ- vi sinh vật; Quản lý bệnh viêm ruột mạn tính và các nghiên cứu về hệ vi khuẩn chí ở Châu Á: Tình hình tại Hàn Quốc,; Quản lý bệnh viêm ruột mạn tính và các nghiên cứu về hệ vi khuẩn chí ở Châu Á: Tình hình tại Hồng Kông; Quản lý bệnh viêm ruột mạn tính và các nghiên cứu về hệ vi khuẩn chí ở Châu Á: Tình hình tại và Thái Lan.
Hội nghị là một trong những bước đi đầu tiên tạo ra cầu nối trong việc ứng dụng các thành tựu giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng và thực hành trong lâm sàng về microbiota tại nước ta nhằm đóng góp một cách thiết thực trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
GS, TS Hidemi Goto cũng nhấn mạnh, thành công của Nhật Bản trong việc kiểm soát bệnh lý tiêu hóa, đặc biệt là bệnh viêm ruột là nhờ phát hiện sớm. Và ông cũng tin rằng, Việt Nam đang ngày càng phát triển hơn trong lĩnh vực này với việc kiểm soát, đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh.