Cụ thể, trong ngày 14/4/2019 các chuyên gia Nhật Bản đã hướng dẫn tiền lâm sàng hội chẩn với các bác sĩ của BVĐK Hà Đông để đưa ra phương hướng và kế hoạch điều trị cho các bệnh nhân; tiếp đến ngày 15 và 16/4 trực tiếp điều trị cho bệnh nhân.
Theo BSCKII. Trịnh Xuân Học - Trưởng khoa Răng - Hàm - Mặt (Bệnh viện đa khoa Hà Đông) cho biết: Các chuyên gia Nhật Bản đã khám và điều trị cho 12 bệnh nhân đã mất răng, bệnh nhân nhổ răng gần đây nhất cách đây 1 tháng, bệnh nhân mất răng lâu nhất là 15 năm.
Kết quả bước đầu hiện tại các bệnh nhân ổn định, không bị sưng nề nhiều, đau ít và hài lòng với kỹ thuật của các chuyên gia.
Ngoài ra 3 bệnh nhân được ghép xương nhân tạo và có sử dụng màng xương nhằm nâng chiều cao xương do các bệnh nhân này đã mất răng từ lâu mà không có phục hình răng trước đó. Bệnh nhân được các bác sĩ của BVĐK Hà Đông cắt chỉ sau 7-10 ngày, định kỳ kiểm tra và sau 3-6 tháng có thể làm phục hình răng và bệnh nhân ăn uống trở lại bệnh thường.
Các bác sĩ thăm khám và tiến hành cấy ghép implant nha khoa cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Takahiro Nobuto, đây là lần đầu tiên hoạt động này được triển khai tại BVĐK Hà Đông và mong muốn, bệnh viện sẽ phối hợp tôt cho các chương trình lần sau và số lượng bệnh nhân sẽ được sử dụng phương pháp này nhiều hơn, các bác sĩ của bệnh viện sẽ tiếp thu được nhiều kỹ thuật hơn từ phía bác sĩ Nhật Bản xử lý mô mềm, mô cứng, bệnh lý nha chu, nâng xoang… phục vụ cho cấy ghép nha khoa.
Được biết, nhóm chuyên gia Nhật Bản này cũng đã từng phối hợp đào tạo, giảng dạy với các cơ sở y tế lớn ở Việt Nam như: Viện đào tạo Răng Hàm Mặt - Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Răng – Hàm - Mặt Trung ương…
ThS.BSCKII. Nguyễn Vũ Trung – Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt cho biết, cấy ghép Implant nha khoa là phương pháp thay thế răng mất bằng cách cấy những trụ kim loại titanium vào xương hàm thay cho chân răng đã mất, sau đó làm một chụp sứ gắn chặt trên các trụ Implant.
Bệnh nhân sau cấy ghép implant nha khoa cần phải tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, tái khám đúng lịch, chăm sóc răng miệng đúng phương pháp. Khi chăm sóc răng miệng, tuyệt đối không dùng tăm hoặc các dụng cụ thô bạo dễ làm sang chấn mô lợi, tạo viêm và mất bám dính. Các dụng cụ thường được dùng là: chỉ tơ nha khoa, chỉ chuyên dụng, bàn chải kẽ, bàn chải búi, máy xịt nước (tăm nước), nước súc miệng có chlohexidine 1,2%.
BS. Trung cũng khuyến cáo: Những bệnh nhân có bệnh lý về tim mạch, tiểu đường, bệnh lý toàn thân, bệnh về máu, bệnh nhân nghiện rượu thuốc lá, rối loạn chức năng gan thận… nếu có nhu cầu cấy ghép phải có hội chẩn của chuyên khoa răng hàm mặt và các chuyên khoa khác, tránh tai biến đáng tiếc xảy ra.