Nhiều ca bệnh đặc biệt, nhiều kỹ thuật mới nhất trong lĩnh vực điều trị sức khỏe tâm thần đã được các bác sĩ Viện Sức khỏe Tâm thần cũng như các chuyên gia trên thế giới chia sẻ tại Lễ Kỷ niệm 50 năm thành lập Viện Sức khỏe Tâm thần và Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 11 diễn ra ngày 18/10 tại Bệnh viện Bạch Mai.
Phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm, PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nêu rõ, trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, Viện Sức khỏe Tâm thần hiện nay đã trở thành một cơ sở thực hành hàng đầu về chuyên ngành Tâm thần của các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học y tế cả trong và ngoài nước.
PGS.TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập và Hội nghị khoa học thường niên Viện Sức khoẻ Tâm thần lần thứ 11
Đặc biệt, những năm gần đây, Viện Sức khoẻ Tâm thần đã đẩy mạnh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; nắm bắt kịp thời những tiến bộ về khoa học kỹ thuật trên thế giới như: Kích thích từ xuyên sọ, điện não video, ứng dụng trong điều trị cho bệnh nhân tâm thần bằng các liệu pháp hóa dược, liệu pháp tâm lý, thư giãn luyện tập. Số lượng bệnh nhân đến điều trị nội trú ngày càng tăng, đặc biệt công tác khám và tái khám đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người bệnh (trung bình 300 lượt khám/ngày).
Hội nghị khoa học thường niên Viện Sức khỏe Tâm thần lần thứ 11 được tổ chức ngay sau lễ kỷ niệm gồm 5 phiên với các chủ đề: Tổng quan về ngành điều trị tâm thần trên thế giới; động kinh các rối loạn tâm thần thực tổn và nghiện chất; tâm thần học người trưởng thành; tâm thần trẻ em và vị thành niên; các phương thức điều trị hóa dược và can thiệp.
Các chủ đề đã thu hút hàng trăm bài trình bày của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, giúp Hội nghị trở thành nơi trao đổi, nâng cao các kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực tâm thần của các cán bộ y tế, bác sĩ; đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần của người dân.
Chia sẻ với báo chí bên lề Hội nghị, PGS.TS. Trần Viết Nghị- nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, nhận thức của cộng đồng về bệnh tâm thần trong những năm 80 của thế kỷ trước còn eo hẹp, nên các số liệu điều tra về bệnh cũng ít ỏi.
Theo đó, có những thời điểm này, cộng đồng quan niệm, bệnh tâm thần chỉ gồm tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần trong động kinh, người mắc bệnh bị "điên" nên phải bị “nhốt” lại.
Tuy nhiên, hiện nay cùng với sự thay đổi về chất lượng thăm khám, điều trị các bệnh lý tâm thần, môi trường điều trị, chăm sóc cũng được thay đổi. Hiện bệnh viện mở cửa, thuê nhân viên bảo vệ trông giữ bệnh nhân; xây dựng bệnh viện xanh, sạch, đẹp, có cây xanh, có sân bóng, khu vực giải trí cho bệnh nhân, chăm sóc cho bệnh nhân tốt hơn.
Đặc biệt, ap dụng điều trị rối loạn tâm thần dựa vào cộng đồng, tuyên truyền về bệnh tới đông đảo người dân… “Từ đó trở đi, người dân nhìn vào bệnh viện tâm thần có cảm giác bình dị, giống như đi điều trị một căn bệnh thể chất khác. Còn các bệnh nhân tâm thần không bị mặc cảm căn bệnh của mình”- PGS.TS Trần Viêt Nghị nói.
Viện Sức khỏe Tâm thần đón nhận Bằng khen của Bộ Y tế nhân kỷ niệm 50 năm thành lập
Cũng theo phân tích của PGS.TS Trần Viết Nghị, hiện số lượng phát hiện bệnh tăng lên, số lượng người bệnh được chăm sóc nhiều hơn, còn bản chất của bệnh không thay đổi, không phụ thuộc vào việc xã hội phát triển hay không.
Cũng về vấn đề này, PGS. TS. Nguyễn Văn Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, xã hội phát triển không phải là nguyên nhân khiến cho số lượng bệnh nhân tăng lên.
"Ví dụ stress (hay còn gọi là căng thẳng), ta cứ nói là xã hội phát triển nên người dân bị stress nhiều, song, thực tế không phải. Xã hội phát triển, hay kém phát triển thì người dân vẫn sẽ có stress.
Tương tự, bệnh tự kỷ ở trẻ được phát hiện nhiều hơn do trình độ của bác sĩ và nhận thức của cộng đồng được nâng cao, không còn hạn hẹp như trước. Đừng "đổ tội" cho xã hội phát triển, chúng ta nên cảm thấy mừng vì cộng đồng đã quan tâm tới các vấn đề về sức khỏe tâm thần" - PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn nói.
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, mặc dù còn không ít khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất và phương tiện điều trị nhưng dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự Đảng - Lãnh đạo Bộ Y tế, Đảng ủy - Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, các thế hệ Lãnh đạo Viện Sức khỏe Tâm thần và các cán bộ, viên chức đã có nhiều cố gắng vươn lên, đoàn kết nhất trí, đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ.
Với đội ngũ nhân lực có trình độ cao, cơ sở vật chất rộng rãi, khang trang, Viện đã luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ là Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai giao phó, Viện Sức khỏe Tâm thần đã trở thành một cơ sở thực hành hàng đầu về chuyên ngành Tâm thần của các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học y tế cả trong và ngoài nước, và đồng thời là cơ sở đào tạo cán bộ cho chuyên ngành Tâm thần ở các bậc sau đại học, đại học và trung học chuyên nghiệp.