Ứng dụng hình ảnh trong chẩn đoán ung thư

22-03-2019 10:46 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Có rất nhiều phương pháp dùng hình ảnh y khoa phát hiện bệnh ung thư. Tuy nhiên, không có phương pháp hình ảnh phổ quát nào lại có thể phát hiện mọi thứ.

Quan trọng nhất là phải biết được các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn (nếu có bệnh), từ đó lựa chọn phương pháp hình ảnh y khoa phù hợp nhất.

Ưu - nhược của các công nghệ hình ảnh

Hiện nay, có nhiều phương thức hình ảnh y tế, bao gồm siêu âm, chụp Xquang thông thường, chụp cắt lớp điện toán (CT), hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) và hình ảnh y học hạt nhân (hình ảnh gamma và chụp cắt lớp phát xạ positron PET).

Siêu âm là một trong các phương pháp chụp hình ảnh thông dụng cho sản phụ.

Siêu âm là một trong các phương pháp chụp hình ảnh thông dụng cho sản phụ.

Mỗi phương thức hình ảnh trên lại có những mặt mạnh và mặt yếu. Ví dụ: Siêu âm về cơ bản là phương pháp sử dụng sự suy giảm và độ lệch của sóng âm để lập nên bản đồ mô. Siêu âm rất hữu ích trong việc đánh giá các cơ quan mô mềm bên ngoài. Phụ nữ trong thời gian theo dõi tiền sản thường rất quen thuộc với kỹ thuật siêu âm nhằm đánh giá tình trạng của em bé trong bụng mẹ. Tuy nhiên lại rất khó để lấy được hình ảnh chất lượng tốt nhất của các cơ quan nội tạng tại một số khu vực nhất định. Kỹ thuật chụp Xquang được sử dụng khá rộng rãi. Quét CT cũng sử dụng tia X nhằm có được hình ảnh tốt nhất về cơ thể theo 3 chiều. Kỹ thuật quét CT có sẵn ở hầu hết các bệnh viện và nó trở thành công cụ quan trọng trong thực hành lâm sàng. Quét CT dùng để phát hiện tai biến mạch máu não (đột quỵ), bệnh phổi, ung thư và gãy xương. Tuy nhiên, kỹ thuật quét CT lại tỏ ra hạn chế đối với các tổn thương mô mềm, đặc biệt là trong não, tủy sống và các cơ quan vùng chậu. Kỹ thuật hình ảnh cộng hưởng từ (MRI, sử dụng cộng hưởng từ của các proton trong cơ thể) về cơ bản là không có bức xạ ion hóa. MRI có thể hình dung các mô mềm bên trong cơ thể với độ phân giải tốt hơn so với quét CT nhưng các cấu trúc xương và phổi không được hình dung rõ nét trên MRI. Bệnh nhân có cấy ghép không tương thích với MRI (như máy tạo nhịp tim, máy khử rung tim cấy ghép).

Trong lĩnh vực y học hạt nhân (PET), một lượng nhỏ chất phóng xạ được sử dụng độc lập hay kết hợp với các dược phẩm đặc biệt nhằm trực quan hóa cơ quan nội tạng muốn được chụp. Còn để đánh giá hệ xương, bác sĩ sẽ sử dụng một phương pháp quét xương bức xạ gọi là Technetium-99m methylenediphosphonate (Tc-99m MDP). Dược phẩm bức xạ này sẽ được phân phối ngay trong xương. Bất kỳ sự bất thường nào như tăng hoặc giảm trong xương đều sẽ được phát hiện.

Tc-99m MDP nhạy cảm đến mức mà chỉ cần 5% thay đổi trong xương cũng có thể bị phát hiện, so với tỷ lệ 40-50% bằng cách chụp Xquang thông thường hay quét CT. Và phát hiện sớm đồng nghĩa sẽ có can thiệp kịp thời. Y học hạt nhân là một kỹ thuật rất độc đáo vì một số chất bức xạ không những dùng để trị bệnh mà còn cung cấp các hình ảnh cùng lúc. Lấy ví dụ như bức xạ iodine-131 không chỉ dùng để điều trị bệnh ung thư tuyến giáp hiệu quả mà hình ảnh của sự phân bổ ung thư cũng được tạo ra rõ nét.

Tới nay, hình ảnh PET là một phương pháp được xem là tiên tiến nhất trong quản lý bệnh ung thư. Cho dù dùng CT hay MRI (PET/CT hay PET/MRI), nhưng độ nhạy cao trong phát hiện các căn bệnh ung thư và xác định mức độ của hoạt động trao đổi chất trong ung thư là rất hữu dụng cho các bác sĩ lâm sàng. Khi đối phó với các căn bệnh ung thư, thời gian phát hiện bệnh sớm là tiên quyết cho vấn đề điều trị.

Tuy nhiên, vẫn có những hạn chế trong việc dùng PET vì không phải tất cả các khối u đều hấp thụ chất bức xạ và nó sẽ hình thành “mặt nạ” khi các tế bào bình thường hấp thụ sinh lý.

Các phương pháp chụp hình ảnh rất quan trọng để xem chuyện gì đang xảy ra trong cơ thể.

Các phương pháp chụp hình ảnh rất quan trọng để xem chuyện gì đang xảy ra trong cơ thể.

Những quan ngại

Có nhiều lý do mà thực tế nhiều bệnh nhân từ chối các biện pháp chụp hình ảnh y học. Các bệnh nhân dùng chụp tia X, quét CT và chụp hình ảnh y học hạt nhân bao gồm PET/CT và PET/MRI đều có khả năng phơi nhiễm các bức độ bức xạ. Vì thế mà nhiều bệnh nhân vẫn mơ  hồ và sợ hãi sự phơi nhiễm này. May sao tiến bộ công nghệ đã ngày càng làm giảm đáng kể mức độ phơi nhiễm bức xạ xuống mức thấp nhất có thể. Trên thực tế, phơi nhiễm bức xạ từ hình ảnh y học là không đáng kể trong quá trình điều trị y tế.

Ngoài ra, vấn đề viện phí cũng là một lý do lớn. Chụp hình ảnh càng đắt tiền, bệnh nhân càng tìm cách tránh nó. Nhưng chụp hình ảnh đắt tiền cũng giống như người ta xài điện thoại thông minh, thông số kỹ thuật của điện thoại càng tốt thì nó càng đắt. Chụp hình ảnh y học hạt nhân tương đối tốn kém do máy quét cũng như chất bức xạ cần để chụp phải được đặt hàng đặc biệt và không có sẵn.

Tuy nhiên, việc sử dụng hình ảnh y học hỗ trợ chẩn đoán bệnh là một biện pháp không thể thiếu. Các bác sĩ sẽ chọn những phương pháp hình ảnh nào phù hợp để giúp chẩn đoán, lập kế hoạch, đánh giá và theo dõi bệnh. Rủi ro và lợi ích của mỗi hình ảnh luôn được đánh giá cẩn thận trước khi bệnh nhân tiếp cận với chúng.


NGUYỄN THANH HẢI
Ý kiến của bạn