Sáng nay (23/11) tại Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức khai trương hệ thống máy O-arm, một trong những thiết bị hiện đại trên thế giới giúp cho việc chẩn đoán, phẫu thuật và điều trị cột sống thêm chính xác, hiệu quả và rút ngắn ngày hồi phục sau mổ hơn. Bạch Mai là bệnh viện đầu tiên trong cả nước đưa hệ thống chụp O-arm (hệ thống chụp O-arm và định vị trong phẫu thuật (Navigation)) hiện đại đi vào hoạt động trong phẫu thuật các bệnh lý liên quan đến cột sống.
Với hệ thống này, thay vì nhìn hình ảnh 2 chiều của cột sống, phẫu thuật viên phải tự tưởng tượng ra đường đi, kích thước của ốc vít để không ảnh hưởng đến tủy sống, các mạch máu; giờ đây các bác sĩ có thể mổ chính xác hơn nhờ hình ảnh 3 chiều lập thể. Việc ứng dụng công nghệ này mở ra hy vọng mới cho cả bác sỹ và bệnh nhân trong việc phẫu thuật cột sống được chính xác hơn và tránh được những tai biến có thể xảy ra.
3 bệnh nhân đầu tiên đã được mổ can thiệp cột sống với sự hỗ trợ của hệ thống máy hiện đại này. Đó là trường hợp của bệnh nhân N.T.L (18 tuổi, Thường Tín, Hà Nội). Cách đây 5 năm, L. xuất hiện tình trạng đau cột sống thắt lưngm gây khó khăn cho đi lại, đứng ngồi. Để che đi dáng vẻ cong vẹo vốn gây tò mò cho mọi người, L. luôn mặc những bộ đồ rộng thùng thình. Mới đây, khi đến Bệnh viện Bạch Mai khám, các bác sĩ chẩn đoán L. bị vẹo cột sống vô căn và phải phẫu thuật. Ngay sau khi phẫu thuật, tình trạng đau giảm, cong vẹo cũng đã bớt, cần thêm thời gian để bình phục nhưng L. đã tự tin hơn rất nhiều.
2 ca bệnh khác phải can thiệp cột sống cũng là bệnh nhân N.T.Liên (53 tuổi, Vinh, Nghệ An), bệnh nhân N.T.N (51 tuổi, Long Biên, Hà Nội).
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cùng ban lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cắt băng khai trương hệ thống máy O-arm
Theo các chuyên gia, các bệnh lý cột sống như: thoát vị đĩa đệm, thoái hóa, chấn thương, dị tật… ngày càng phổ biến. Nhiều trường hợp bệnh nhân thấy đau, thậm chí không thể đi lại được mà chỉ có cách bò hoặc nằm bất động tại chỗ. Điều trị nội khoa không có tác dụng, tuy nhiên nhiều người không dám thử phẫu thuật can thiệp vào cột sống vì sợ bị liệt.
TS Hoàng Gia Du, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trong phẫu thuật cột sống chỉ sai số 1 mm thôi là vị trí cần can thiệp đã đi rất xa rồi và lúc đó chiếc ốc, vít nhằm can thiệp vào cột sống sẽ đi vào mạch máu và dây thần kinh, gây tai biến cho bệnh nhân. Trong phẫu thuật cột sống thường liên quan đến tủy sống, rễ thần kinh, mạch máu và cấu trúc xương dây chằng xung quanh. Trong quá trình phẫu thuật, bác sỹ vừa phải đảm bảo tủy sống, rễ thần kinh, mạch máu không bị tổn thương… và vừa xử lý được các tổn thương do bệnh như thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, dị dạng, u đốt sống, chấn thương bằng việc tái tạo lại cấu trúc sinh lý của cột sống bằng việc sử dụng vật liệu thay thế như nẹp vít, ốc, đĩa đệm nhân tạo, nẹp silicon… Kết quả hồi phục lâm sàng phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố trong đó không thể thiếu sự cân bằng cơ sinh học của hệ thống vật liệu thay thế.
TS Hoàng Gia Du (cầm micro) đang giới thiệu về hệ thống máy này cho các đại biểu
Theo TS Dương Đức Hùng- Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp- Bệnh Bạch Mai, để chuẩn bị triển khi ứng dụng hệ thống định vị hiện đại này trong phẫu thuật các bệnh lý về cột sống, từ hai năm trước Bệnh viện Bạch Mai đã cử cán bộ đi học tập chuyên môn, nghiệp vụ về kỹ thuật này ở một số nước như Úc, Singapor, Thái Lan…
TS Hùng cũng cho biết thêm, hiện nay rất nhiều phòng mổ trên thế giới đã ứng dụng hệ thống máy O-arm vào phẫu thuật các bệnh lý về cột sống bởi tính ưu việt của nó mang lại cho cả phẫu thuật viên và người bệnh.
Với thiết bị cũ là hệ thống C-arm chỉ cho phép nhìn cột sống trên mặt phẳng một chiều nên phẫu thuật viên phải tự tưởng tượng ra các chi tiết giải phẫu gồm cả đường đi, kích thước của ốc vít. Vì thế nó có thể gây tai biến nếu để ốc, vít, nẹp chọc vào tủy xương, mạch máu hoặc dây thần kinh.
Theo TS Hoàng Gia Du, hệ thống máy chụp O- arm hiện đại cung cấp hình ảnh không gian 3 chiều của cột sống, khớp, sọ não cùng với hệ thống định vị giúp giúp xác định vị trí cần giải phẫu chính xác gần như tuyệt đối. Độ chính xác về vị trí bắt vít lên đến 93-100%; so với tỷ lệ 72-92% của phương pháp thông thường.
Một ca phẫu thuật cột sống ứng dụng hệ thống máy O-arm tại Bệnh viện Bạch Mai Ảnh Emi Hà
Phát biểu tại buổi lễ khai trương hệ thống máy này sáng ngày 23/11, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhấn mạnh, sau 30 ca phẫu thuật ứng dụng công nghệ mới này, Bộ Y tế sẽ thành lập hội đồng Quốc gia theo quy định để cùng xem xét và nghiệm thu kết quả ứng dụng công nghệ mới trên. Sau đó chính thức đưa vào áp dụng tại Bệnh viện Bạch Mai. Khi đó Bệnh viện hoàn toàn có bản quyền để chuyển giao kỹ thuật và đăng ký về sở hữu trí tuệ.