Hà Nội

Ứng dụng của trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong khoa học sức khỏe

21-01-2021 08:49 | Thời sự
google news

SKĐS - Chiều 20/1/2021, trong khuôn khổ hợp tác với Trường ĐH Queen's University Belfast (UK) để đồng triển khai Dự án “Tăng cường khả năng thích ứng Y tế công cộng tại Việt Nam: xây dựng mô hình cảnh báo sớm sử dụng Trí tuệ nhân tạo”, Trường ĐH Y tế công cộng đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Ứng dụng của trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong khoa học sức khỏe”.

Trong thời gian qua, ngành Y tế đã đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận các công nghệ số như vạn vật y tế kết nối, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn...

Tham dự buổi hội thảo có các chuyên gia, các nhà khoa học, các giảng viên, nghiên cứu viên đến từ các trường Đại học, Viện nghiên cứu và các Cơ quan nghiên cứu Y tế công cộng, Y học dự phòng, khoa học sức khỏe trong nước và quốc tế.

GS.TS Hoàng Văn Minh - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Y tế công cộng phát biểu khai mạc tại buổi hội thảo.

Phát biểu khai mạc tại buổi hội thảo, GS. TS Hoàng Văn Minh - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Y tế công cộng cho biết: “Đây là buổi hội thảo rất quan trọng với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học cả trực tiếp và trực tuyến. Điều này thể hiện rõ sự quan tâm của chúng ta đối với lĩnh vực “ứng dụng của trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong khoa học sức khỏe” hết sức nóng bỏng này.

Đối với Trường ĐH Y tế công cộng, chuyên ngành này đối với chúng tôi là khá mới mẻ, tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, với sự hỗ trợ của Hội đồng Anh và các chuyên gia đến từ các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với sự hỗ trợ của GS. Dương Quang Trung (ĐH Queen’s Belfast) và một số đồng nghiệp từ các trường khác, chúng tôi đã có nhiều hoạt động liên quan đến mảng Trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong khoa học sức khỏe.

Quang cảnh tại buổi hội thảo.

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 20 và 21/1/2021 nhằm mục tiêu cập nhật, chia sẻ các ứng dụng của Trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong khoa học sức khoẻ và tập huấn về các mô hình dự báo một số bệnh nhạy cảm với biến đổi khí hậu: ARIMA, Support Vector Machine (SVM), Long Short-Term Memory. Đặc biệt đây là cơ hội để tăng cường kết nối các nhà nghiên cứu ở Anh và Việt Nam trong hợp tác liên ngành trong lĩnh vực Y tế công cộng và công nghệ thông tin truyền thông.

Đây là cơ hội để các nhà nghiên cứu chia sẻ các kết quả nghiên cứu về: Ứng dụng tối ưu theo thời gian thực và máy học vào trong y tế và chăm sóc sức khỏe; Deep Learning để xác định các ca COVID-19 sử dụng hình ảnh CT và X-Ray; Theo dõi bệnh nhân với hội chứng tắc nghẽn đường thở theo thời gian với mô hình phân cụm tương tác; Xây dựng phầm mềm tương tác để phân tích dữ liệu bệnh truyền nhiễm; Xây dựng mô hình cảnh báo bệnh cúm và tiêu chảy dựa vào số liệu thời tiết.

Các đại biểu tại hội thảo.

Hiện nay, ngành Y tế Việt Nam đang triển khai nhiều hệ thống thông tin lớn như mạng kết nối y tế Việt Nam, hệ thống PACS cloud, ứng dụng đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, triển khai Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu cung ứng thuốc trên toàn quốc…

Hội thảo sẽ là cơ hội để các đại biểu chia sẻ về cơ hội, tiềm năng, thách thức trong tiến trình thực hiện Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hướng tới đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

Ngày 21/1/2021, Hội thảo tiếp tục làm việc với nội dung Tập huấn về các mô hình dự báo một số bệnh nhạy cảm với biến đổi khí hậu: ARIMA, Support Vector Machine (SVM), Long short-term memory.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn