Hà Nội

Ứng dụng công nghệ trang thiết bị y tế nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh

27-12-2021 08:06 | Y tế
google news

Trang thiết bị y tế đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh. Việc ứng dụng công nghệ, đào tạo và nghiên cứu trang thiết bị y tế trong nước rất quan trọng cho việc phát triển ngành TTBYT Việt Nam, phục vụ người bệnh.

Vào lúc 15h, Chủ nhật ngày 26/12/2021, Báo Sức khoẻ & Đời sống phối hợp Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương tổ chức chương trình truyền hình trực tuyến với chủ đề "Ứng dụng công nghệ trang thiết bị y tế nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh".

Ứng dụng công nghệ trang thiết bị y tế nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh - Ảnh 1.

Chia sẻ tại chương trình, PGS.TS.BS.TTND Hà Hữu Tùng - Giám đốc BV Đa khoa Nông Nghiệp cho biết, hiện nay ngoài thầy (bác sĩ), thuốc thì trang thiết bị y tế, cơ sở hạ tầng và công nghệ là các yếu tố hỗ trợ cho việc khám chữa bệnh được tốt và chính xác, hiệu quả. Một trong những nền tảng chuẩn đoán đúng, xử trí kịp thời và chính xác thì không thể thiếu thiết bị y tế và công nghệ.

Tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đã đầu tư đa dạng nhiều trang thiết bị y tế sản xuất trong nước và nhập ngoại. Về nguyên tắc, bệnh viện sử dụng các sản phẩm phù hợp túi tiền, có sự mới và sáng tạo, nhất là có yếu tố áp dụng công nghệ. Một số chuyên ngành mới, bệnh viện tiếp cận những công nghệ tân tiến với mục tiêu đi tắt đón đầu. Điều này nhằm hỗ trợ người bệnh tốt nhất, giúp phát hiện bệnh chính xác, bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên cũng như mất nhiều chi phí.

Ví dụ, hiện bệnh viện ứng dụng hồ sơ bệnh án điện tử hay thực hiện chẩn đoán hình ảnh, thanh toán BHYT không cần in phim qua hệ thống PACS. Việc áp dụng thiết bị công nghệ này không chỉ giúp người bệnh và bác sĩ có thể tiện lợi khi kiểm tra hồ sơ bệnh án, xem phim bất cứ đâu và lưu lâu dài. Dù bệnh nhân khám ở đâu cũng có thể sử dụng phim từ Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp để chuẩn đoán lại bệnh. Hơn nữa, giảm in ấn cũng giúp tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường…   

Cũng chia sẻ trong buổi truyền hình trực tuyến, TS. Nguyễn Phan Kiên, Chuyên ngành Kỹ thuật Y sinh, Khoa Điện tử, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua, ông cũng như Khoa đã có nhiều nghiên cứu, sản xuất các trang thiết bị y tế phục vụ tuyến đầu chống dịch. Các thiết bị được sản xuất trong tâm thế nhanh gọn và đơn giản nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của các bác sĩ.

TS. Nguyễn Phan Kiên cũng cho hay, không chỉ ông mà nhiều đơn vị cũng vào cuộc, thể hiện năng lực và sự sáng tạo để phục vụ đất nước. Qua đó cũng cho thấy, ngành TTTBYT Việt Nam có những thế mạnh riêng, và khi cần phát huy đều đáp ứng được thời cuộc.

Bên cạnh nghiên cứu, các trường đại học như Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng đào tạo nên đội ngũ về kỹ thuật y sinh chất lượng cao thực hiện các công việc trong các kỹ thuật nghiên cứu - sản xuất, bảo hành bảo dưỡng, sữa chữa…

Cả hai chuyên gia đều cho rằng, trang thiết bị y tế Việt Nam trên thị trường có nhiều ưu điểm không thua kém nước ngoài. Các thiết bị sản xuất trong nước ban đầu đáp ứng được nhu cầu điều trị của bệnh nhân. Thậm chí, nhiều thiết bị y tế sản xuất trong nước tốt, giá thành phù hợp nên các cơ sở y tế không còn phải dùng máy đã qua sử dụng từ các nước khác đưa về. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm vẫn còn những bất cập cần thay đổi như yếu tố chuyển giao công nghệ, bảo hành bảo dưỡng. Hay, việc cập nhật công nghệ để cạnh tranh chưa tốt trên thị trường cũng như xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo đó, bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị y tế thì việc bảo hành bảo dưỡng rất quan trọng, nhưng các đơn vị trong nước còn yếu và chưa chủ động tìm đến khách hàng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp bệnh viện, bệnh nhân và uy tín nhãn hàng.

Để phát triển ngành TTBYT trong nước, TS. Nguyễn Phan Kiên cho rằng, chúng ta cần phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trước tiên để tránh phụ thuộc từ nước ngoài và chủ động khâu thiết bị trong nước. Nhà nước cần hỗ trợ khâu nhập linh kiện, thiết bị mẫu, hỗ trợ đẩy nhanh các thủ tục đăng ký và giải ngân kinh phí các đề tài nghiên cứu nhằm đáp ứng thị trường kịp thời…

Còn ở góc độ bệnh viện sử dụng trang thiết bị y tế, PGS.TS Hà Hữu Tùng nhấn mạnh, việc nghiên cứu sản xuất thiết bị nên chia các phân khúc sản phẩm. Sản phẩm công nghệ cao tập trung vào các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương và xuất khẩu. Còn phần lớn các tuyến cơ sở y tế dưới, nên nghiên cứu sản xuất thiết bị sát thực tế với nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và dễ sử dụng…



Hà Trang
Ý kiến của bạn