100% các cơ sở KCB trên toàn tỉnh đã triển khai phần mềm xét nghiệm, liên thông 2 chiều; triển khai phần mềm lưu trữ và truyền tải hình ảnh góp phần nâng cao chất lượng đọc phim, liên thông giữa các cơ sở KCB với nhau.
Đặc biệt, BVĐK Phú Thọ đã triển khai ứng dụng robot trong y tế và tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh, hỗ trợ bác sĩ ra quyết định điều trị ung thư có kết quả tốt hơn. Phú Thọ cũng là một trong số ít địa phương đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại 100% các trạm y tế xã, đến nay 98% dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử.
Về hoạt động y tế dự phòng và quản lý trạm y tế tuyến xã, 100% các mẫu biểu báo cáo thống kê về phòng chống dịch, bệnh, về các hoạt động thuộc chương trình mục tiêu theo quy định của Bộ Y tế đã được thực hiện trên phần mềm báo cáo, cơ bản đã bỏ hẳn các loại sổ sách và báo cáo giấy truyền thống;
PGS.TS. Trần Quý Tường cùng lãnh đạo UBND tỉnh và Sở Y tế Phú Thọ tại lễ Khai trương Trung tâm Y tế thông minh.
Về quản trị y tế, đã triển khai các phân hệ quản lý văn bản điều hành, thực hiện chữ ký số trên trục liên thông văn bản quốc gia; triển khai các phần mềm kế toán, quản lý nhân sự, quản lý điều dưỡng, quản lý vật tư, trang thiết bị y tế, quản lý tài sản; triển khai Trung tâm điều hành Y tế thông minh. Các phần mềm quản lý dược quốc gia, quản lý kê đơn thuốc điện tử liên thông nhằm quản lý chặt chẽ và minh bạch về xuất xứ, nguồn gốc, giá, chất lượng, hạn dùng của thuốc. Đặc biệt, trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Sở Y tế đã khẩn trương đưa vào vận hành hệ thống giao ban trực tuyến với tất cả các đơn vị trong toàn ngành, giúp chỉ đạo kịp thời và hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh.
PGS.TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế trong lần dự khánh thành Trung tâm điều hành Y tế thông minh của Sở Y tế Phú Thọ cho biết: Trung tâm Y tế thông minh của tỉnh là thứ 2 trong cả nước sau Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh được khai trương và đi vào hoạt động. Trên cơ sở khoa học của số liệu theo thời gian thực mà chỉ có ứng dụng CNTT mới làm được thì công tác dự báo, xây dựng kế hoạch của ngành sẽ phù hợp hơn, sát thực tế hơn và hiệu quả hơn. Qua đó, công tác phòng bệnh, khám, chữa bệnh và các hoạt động khác của ngành y tế được thực hiện tốt hơn, chất lượng hơn, người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Những thành công về ứng dụng CNTT góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phục vụ người dân tốt hơn đồng thời cũng giúp cho công tác quản lý được tốt hơn.
PGS.TS. Trần Quý Tường đề nghị Sở Y tế Phú Thọ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng và thực hiện tốt chương trình chuyển đổi số theo hướng dẫn của Chương trình chuyển đổi số Quốc gia được phê duyệt tại Quyết định 749/QĐ-TTG ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Một số nội dung trọng tâm trong chuyển đổi số y tế gồm chuyển đổi số trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, chuyển đổi số trong bệnh viện, trong đó việc triển khai bệnh án điện tử là bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số của ngành y tế, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần hiện đại hóa ngành y tế; chuyển đổi số trong quản trị y tế, triển khai nền hành chính y tế điện tử: ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành điện tử, tiếp tục hoàn thiện Trung tâm điều hành y tế thông minh với đầy đủ các chức năng về tổng hợp, phân tích dữ liệu và dự báo các tình huống kịp thời, chính xác và ngày càng phát huy hiệu quả, có đóng góp hữu hiệu cho hoạt động của Sở, có nhiều bài học hay, kinh nghiệm quý để Bộ Y tế nhân rộng cả nước.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ Nguyễn Huy Ngọc khẳng định, thời gian qua bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, hệ thống trang thiết bị tiên tiến hiện đại. Ngành y tế Phú Thọ đã chủ động ứng dụng, từng bước làm chủ công nghệ thông tin vào tổng thể các hoạt động trong toàn ngành, góp phần tạo nên một diện mạo, phong cách làm việc mới, thông minh, hiện đại và hiệu quả.