Hà Nội

Ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện: Nhiều lợi ích

12-04-2009 20:12 | Thời sự
google news

Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đối với ngành y tế là đang là một nhu cầu thực sự lớn, đặc biệt là trong việc quản lý tổng thể bệnh viện (BV) và phục vụ khám chữa bệnh.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đối với ngành y tế là đang là một nhu cầu thực sự lớn, đặc biệt là trong việc quản lý tổng thể bệnh viện (BV) và phục vụ khám chữa bệnh. Trên cả nước, việc ứng dụng CNTT trong các bệnh viện (BV) đã được nhiều nơi (cả ở TW và tuyến tỉnh) triển khai thực hiện, trong đó có rất nhiều phần mềm mang lại hiệu quả cao.

Theo thống kê của ngành y tế, hiện nay, nhiều BV đã đầu tư, triển khai thực hiện ứng dụng những phần mềm CNTT để quản lí bệnh nhân nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB); tận thu, giảm thiểu   lãng phí, nhất là trong viện phí; giảm tải cho các y bác sĩ... Nổi bật nhất trong việc ứng dụng CNTT vào các BV đó là hệ thống phần mềm Hmis được áp dụng tại hơn 30 bệnh viện trên toàn quốc. Ưu điểm của hệ thống này đó là: lấy bệnh làm trung tâm sau đó sẽ dùng những ứng dụng trong phần mềm để quản lí toàn bộ hoạt động của bệnh nhân (về tài chính, thuốc men, chế độ chăm sóc...) từ lúc nhập viện cho đến khi ra viện.

 Bác sĩ trưởng khoa có thể kiểm tra bệnh án ngay tại phòng thông qua bệnh án điện tử.            Ảnh: TM

Tránh thất thoát, lãng phí

Tìm hiểu tại một số bệnh viện đã triển khai việc ứng dụng CNTT như: BV ĐH Y, BV Nội tiết... chúng tôi thấy: thay vì phải làm rất nhiều thao tác, các bác sĩ tại đây sẽ  chỉ cần thao tác trên máy. Đơn cử như trong công tác báo cáo hàng ngày, tại BV ĐH Y trước kia, khi Ban giám đốc yêu cầu phải báo cáo viện phí thu được trong ngày (tổng tạm ứng, tổng hoàn ứng, tổng thu các dịch vụ và từng bác sĩ làm được bao nhiêu tiền) điều này rất khó thực hiện. Nhưng hiện nay, qua hệ thống phần mềm CNTT (Hmis), chỉ cần vài  thao tác là báo cáo chi tiết của các hạng mục trong ngày được liệt kê đầy đủ.

Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực tài chính, ông Nguyễn Thanh Bình - phụ trách tài chính - kế toán BV ĐH Y cho biết: Việc áp dụng CNTT trong BV là rất cần thiết, bắt buộc người sử dụng khi làm bất cứ việc gì đều phải nhập vào máy, kể cả 1 đôi găng, bông băng,... Do vậy việc tận thu sẽ cao hơn (trên 10% so với khi chưa ứng dụng). Bên cạnh đó, hệ thống sẽ lưu giữ toàn bộ quá trình điều trị, chi phí,... của bệnh nhân để BV có thể dễ dàng quản lý. Đặc biệt, hệ thống Hmis sẽ chia ra nhiều module để quản lý và các module không thể xâm nhập lẫn nhau để chỉnh sửa, can thiệp do vậy tính an toàn và chặt chẽ trong quản lý số liệu là rất đảm bảo.

Một ứng dụng khá hay nữa đó là việc công khai hóa dịch vụ cho từng bệnh nhân. Theo đó, cứ hết một ngày, bộ phận chuyên môn sẽ in và công khai các chi phí mà từng người bệnh đã dùng trong ngày hôm đó. Việc làm này giúp cho bệnh nhân biết và có thể cân đối tài chính cho phù hợp hơn nữa và nâng cao tính minh bạch trong BV.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Ứng dụng CNTT vào BV ngoài việc giúp cho BV quản lí được bệnh nhân, tránh thất thoát trong viện phí... còn  giúp cho các BV nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB). Trao đổi về những hiệu quả trong công tác KCB, ông Vũ Tuấn Thăng - Phó Trưởng phòng tin học - quản trị mạng BV Nội tiết cho biết: Khi triển khai áp dụng CNTT, nhất là phần mềm Hmis, BV có thể giải quyết được rất nhiều loại đối tượng khác nhau bao gồm: BHYT, ngoài giờ, phục vụ theo yêu cầu. Các dữ liệu thông tin về bệnh nhân chỉ phải nhập một lần và được sử dụng theo một chuỗi dây chuyền từ đón tiếp, khám bệnh, thanh toán viện phí... Hiện tại, số lượng bệnh nhân có tăng lên nhưng đội ngũ cán bộ y bác sĩ ở đây có thể giải quyết, triển khai KCB đạt chất lượng, nhanh chóng và chính xác.

Hay như để khắc phục tình trạng lộn xộn chen lấn tại khu vực đăng ký KCB, BV ĐH Y đã triển khai hệ thống tự động gọi tên bệnh nhân. Hệ thống này được lập trình, tự động xếp số và tự gọi số theo đúng thứ tự mà không qua bất cứ một sự điều khiển, can thiệp nào.

Trong thời gian tới, BV ĐH Y sẽ triển khai việc đăng ký KCB từ xa. Ở tiện ích này, bệnh nhân có thể vào trang web đăng ký (có tên và mật khẩu riêng) và được trả lời lại bằng email về số thứ tự KCB, chuyên khoa nào sẽ khám và thời gian cụ thể để đến khám. Đúng giờ đã được thông báo, bệnh nhân đến KCB sẽ được đón tiếp chu đáo và không phải chờ đợi. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể tra cứu trên trang web một số thông tin về kết quả cận lâm sàng, các loại thuốc đã được cấp... để thuận tiện hơn trong quá trình điều trị.

Tuấn Anh


Ý kiến của bạn