Hà Nội

Ứng dụng công nghệ thông tin: Giải pháp đột phá trong quản lý điều trị methadon

18-12-2017 09:41 | Thời sự
google news

SKĐS -Nhằm đáp ứng nhu cầu hỗ trợ bệnh nhân điều trị methadon, giúp họ dễ dàng kết nối và uống thuốc ở các cơ sở điều trị khác nhau, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân,

đồng thời để tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý trên lĩnh vực này, việc ứng dụng công nghệ thông tin dựa trên nền tảng trình duyệt internet là một giải pháp có tính đột phá và mang lại sự thay đổi vượt bậc trong quản lý điều trị methadon ở nước ta.

Vai trò của chương trình điều trị methadon

Việt Nam đã triển khai thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadon từ năm 2008 tại TP. Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh và cho đến nay đã mở rộng ra 63/63 tỉnh, thành phố. Việc mở rộng chương trình theo chỉ đạo của Chính phủ (tại Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ) và của Thủ tướng Chính phủ (tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 20/6/2014 và Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 31/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của chương trình trong dự phòng lây truyền HIV cũng như bảo vệ sức khỏe cho người nghiện ma túy, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và phát triển của đất nước.

Ứng dụng công nghệ thông tinPhó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong Lễ khai trương hệ thống quản lý điều trị methadon.

Để đạt được những thành quả trên, Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ. Nhiều quy định về điều trị methadon đã được pháp lý hóa và triển khai tới từng cán bộ trực tiếp tham gia công tác này; chương trình điều trị được quản lý, triển khai chặt chẽ, khoa học và khả thi hơn. Ngành y tế đã cùng với các bộ, ngành, các địa phương, nhất là đơn vị tuyến cơ sở để thông tin, tuyên truyền về bản chất và lợi ích của điều trị methadon. Với những nỗ lực của toàn thể hệ thống chính trị, hiện Việt Nam đang điều trị cho 53.828 bệnh nhân tại 299 cơ sở. Đặc biệt là tính đến tháng 9/2017 đã có 26 địa phương triển khai cấp phát thuốc tuyến xã với tổng số bệnh nhân uống thuốc methadon chiếm 22% tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị, giúp giảm rất nhiều thời gian đi lại của người bệnh và hỗ trợ tốt cho bệnh nhân tiếp cận và duy trì điều trị.

Và triển khai hệ thống quản lý thông tin trong điều trị methadon

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào phục vụ cuộc sống và phục vụ công tác quản lý là xu hướng tất yếu của thời đại, trong cuộc cách mạng 4.0 và đây là chủ trương mà Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt đối với các ngành, các địa phương, đơn vị và doanh nghiệp. Nhằm đáp ứng nhu cầu hỗ trợ bệnh nhân điều trị methadon, giúp họ dễ dàng kết nối và uống thuốc ở các cơ sở điều trị methadon khác nhau, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân, đồng thời để tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý trên lĩnh vực này, ứng dụng công nghệ thông tin dựa trên nền tảng trình duyệt internet là một giải pháp có tính đột phá và mang lại sự thay đổi vượt bậc trong quản lý điều trị methadon ở nước ta.

Trong phiên họp của Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy mại dâm ngày 8/12, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ Y tế đã khai trương hệ thống quản lý thông tin điều trị methadon.

Với tiêu chí “Thông minh, bảo mật, tiện dụng, riêng tư, mọi nơi, mọi lúc’’ của hệ thống thông tin quản lý này, mỗi một bệnh nhân sẽ được cấp 1 mã nhận diện (ID) duy nhất để quản lý toàn bộ quá trình điều trị. Hệ thống quản lý bệnh nhân điều trị methadon đã được xây dựng và được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ đắc lực giúp bệnh nhân dễ tiếp cận điều trị, nâng cao chất lượng điều trị và chất lượng cuộc sống, hỗ trợ duy trì và tăng cường tuân thủ điều trị. Hệ thống cũng được kỳ vọng trở thành công cụ quản lý hữu hiệu đối với ngành y tế trong hoạt động điều trị, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân, đồng thời nâng cao hiệu suất lao động và tạo môi trường làm việc hiện đại cho hệ thống các cơ sở điều trị thông qua việc giảm thiểu về cơ bản các thủ tục hành chính, hồ sơ bệnh án, sổ sách, thống kê báo cáo vốn tốn rất nhiều thời gian và công sức để thực hiện.

Đến nay, hệ thống quản lý thông tin điều trị methadon đã xây dựng xong và đã được thí điểm tại Hà Nội. Dự kiến hệ thống sẽ triển khai áp dụng trên phạm vi toàn quốc đầu năm 2018. Hệ thống có 13 module với 120 tính năng. Cơ quan quản lý các cấp có thể xem và đánh giá các chỉ số chính cũng như các bảng, biểu đồ, kết quả điều trị, tình hình kho dược thông qua một máy tính hoặc thiết bị di động có kết nối mạng.


Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn