Trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu, các cơ sở y tế tuyến đầu như các trạm y tế phường, xã thường được cung ứng thuốc và vật tư y tế từ tuyến cao hơn như trung tâm y tế quận, huyện. Việc sử dụng các thiết bị di động kỹ thuật số giúp chủ động nắm bắt hàng tồn kho để kịp thời cung ứng đảm bảo không bị gián đoạn trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ tại các trạm y tế là một cơ hội và thách thức mới.
Thuốc và vật tư y tế luôn sẵn có tại các điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu là một yêu cầu rất quan trọng trong nâng cao chất lượng chăm sóc và tạo niềm tin cho người dân đến với các trạm y tế, góp phần hướng đến mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân.
Ứng dụng xu hướng chuyển đổi số vào hệ thống y tế và y học.
Các mặt hàng y tế bao gồm thuốc, các sinh phẩm y tế, vật tư y tế như kim tiêm, ống tiêm, và vật tư cho phòng xét nghiệm, X quang,... phải được cung ứng đầy đủ và không bị gián đoạn cho hoạt động của các trạm y tế, tuy nhiên, hàng tồn kho của các mặt hàng y tế này vẫn là một vấn đề, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nơi những hạn chế về cơ sở hạ tầng và rào cản địa lý có thể cản trở việc tiếp cận hàng hóa tại điểm chăm sóc.
Sự phát triển nhanh chóng các ứng dụng trên thiết bị di động đã nổi lên như một cơ hội tiềm năng làm giảm thiểu những thách thức của việc cung ứng thuốc và hàng hóa y tế được dự trữ trong kho với số lượng cần thiết đảm bảo cho hoạt động tại các tuyến y tế cơ sở không bị gián đoạn. Các phương pháp tiếp cận đơn giản bao gồm việc sử dụng các hệ thống liên lạc như nhắn tin văn bản (SMS) và bảng điện tử điều khiển dữ liệu để quản lý hàng tồn kho và báo cáo về mức độ cung cấp bổ sung là những vấn đề cần được tính đến.
Những ví dụ cụ thể mà các công cụ kỹ thuật số di động có thể được sử dụng tại các cơ sở y tế (như các trung tâm y tế quận, huyện) để cải thiện quản lý chuỗi cung ứng (cho các trạm y tế phường, xã) bao gồm: theo dõi hàng hoá y tế tồn kho, thông báo mức tồn kho (tại các trạm y tế), dự báo nhu cầu về hàng hóa (của các trạm y tế trực thuộc), giám sát hàng hóa nhạy cảm với chuỗi lạnh và quản lý phân phối hàng hóa y tế.
Khuyến cáo của WHO về ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong quản lý chuỗi cung ứng (logistics) tại các trạm y tế phường, xã:
- Mặc dù bằng chứng còn hạn chế, hiệu quả và các rào cản khả thi đã được xác định, WHO cho rằng việc sử dụng thiết bị di động có khả năng cung cấp một phương tiện hiệu quả hơn để thực hiện thông báo hànghoá y tế tồn kho và góp phần đảm bảo tính sẵn có của hàng hóa y tế tại các điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Điều này làm tăng khả năng cho các cơ sở y tế tuyến đầu trong quản lý các vấn đề sức khỏe người dân một cách kịp thời và phù hợp.
- WHO đánh giá hoạt động thông báo tình hình hàng hoá y tế tồn kho qua các thiết bị di động là một can thiệp có độ rủi ro tương đối thấp so với tác động tiềm tàng cao, bao gồm khả năng tiết kiệm nguồn lực do vấnđề cung ứng và phân bổ hàng hóa được cải thiện và giảm lãng phí. WHO tin rằng sự sẵn có của dữ liệu hàng hoá tồn kho kịp thời sẽ làm tăng tính minh bạch và thúc đẩy trách nhiệm.
- Giải quyết các rào cản đã được xác định để triển khai ứng dụng công nghệ kỹ thuật số di động nhằm đảm bảo tính đáp ứng với các thông báo tồn kho được WHO xem là những giải pháp quan trọng để xây dựng lòng tin. Nếu không có cơ chế để các nhà quản lý y tế phản hồi dữ liệu tồn kho đến hoặc thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu nguồn tài chính để mua hàng hóa mới, thì việc thu thập dữ liệu tồn kho và thông báo tình trạng hàng hoá sẽ không mang lại bất kỳ giá trị nào và sẽ phải trả thêm chi phí cho hệ thống. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng năng lực của hệ thống y tế để can thiệp này có thể được sử dụng một cách hiệu quả.