Ứng dụng công nghệ 4.0 để cảnh báo chất lượng môi trường

02-06-2019 08:55 | Thời sự
google news

SKĐS - Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT cho biết ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực giám sát, cảnh báo chất lượng môi trường, giúp cho cơ quan quan lý nhà nước từng bước chuyển từ bị động giải quyết ô nhiễm sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát chất lượng môi trường - nhất là tại những khu vực, nơi có nguồn thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Tại Lễ phát động quốc gia tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng ngày Đại dương thế giới (8/6) và ngày Môi trường thế giới năm 2019 (5/6) diễn ra tại Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí; suy giảm đa dạng sinh học, xâm nhập mặn, cạn kiệt tài nguyên biển, xói lở và xâm thực biển đang đe dọa trực tiếp đến phát triển kinh tế, sức khỏe và sinh kế bền vững cho hàng triệu người dân, nhất là các nhóm yếu thế, đặc biệt là đối với Việt Nam chúng ta.

Thực tế đó đòi hỏi tất cả chúng ta phải nỗ lực, có các giải pháp tổng thể để giải quyết những thách thức đã và đang đe dọa đến sự sống còn của cả hành tinh xanh và của chính chúng ta.

Việt Nam có bờ biển dài, vừa trải qua quá trình phát triển dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân lực giá rẻ, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn trong giải quyết vấn đề môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển.

Theo Phó Thủ tướng, trong những năm qua, tuy tỉnh Bạc Liêu chịu những tác động lớn của xâm thực bờ biển, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường biển, nhưng tỉnh đã có nhiều giải pháp, nỗ lực vượt qua khó khăn, phát huy tiềm năng, lợi thế để thu hút nguồn lực, tạo ra sức bật mới để phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại lễ phát động.

Nhằm ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang diễn ra, Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội đoàn kết, thống nhất ý chí và kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng và lợi ích quốc gia trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình; triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo bám sát thực tế và theo kịp tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước; rà soát, bổ sung và xây dựng mới đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hoà, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; các cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao nhận thức về chủ quyền biển – đảo, bảo vệ môi trường; tăng cường hợp tác, huy động nguồn lực quốc tế nhằm đảm bảo khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, giải quyết những vấn đề trên biển có liên quan, góp phần duy trì hòa bình trong khu vực và trên thế giới.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương có biển phải thường xuyên quan tâm, có các giải pháp tổng thể để hỗ trợ các điều kiện cần thiết để bảo đảm sinh kế cho nhân dân vùng biển đảo, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển đảo.

Tiếp đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương và Lãnh đạo Bộ TN&MT, UBND tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành Trao biểu trưng cho các đại sứ Đại dương xanh; trao cờ và lưới đánh cá cho ngư dân; trao biểu trưng đăng cai tổ chức các hoạt động sự kiện năm 2020 cho tỉnh Phú Yên.

Kích hoạt phần mềm kết nối, tích hợp hệ thống quan trắc môi trường tự động.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã nhấn nút kích hoạt phần mềm kết nối, tích hợp hệ thống quan trắc môi trường tự động để kết nối dữ liệu quan trắc môi trường tỉnh Bạc Liêu với hệ thống quan trắc môi trường quốc gia. Phần mềm này có thể hỗ trợ đồng bộ dữ liệu từ trung ương đến địa phương và doanh nghiệp; truyền tải liên tục gồm đồng thời dữ liệu và video; công nghệ tương thích với đa dạng thiết bị; thu thập dữ liệu tốc độ cao, xử lý dữ liệu lớn, dễ khai thác sử dụng…, đáp ứng các nhu cầu về thu thập dữ liệu, giám sát dữ liệu thời gian thực, gửi thông tin cảnh báo, điều khiển và giám sát lấy mẫu tự động; xử lý và kiểm duyệt dữ liệu; quản lý truyền nhận dữ liệu giữa trung ương và địa phương

Cùng với việc đẩy mạnh lắp đặt các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục trên toàn quốc và triển khai phần mềm kết nối, tích hợp hệ thống quan trắc môi trường tự động, Tổng cục Môi trường hướng tới sẽ ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực giám sát, cảnh báo chất lượng môi trường, giúp cho cơ quan quan lý nhà nước từng bước chuyển từ bị động giải quyết ô nhiễm sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát chất lượng môi trường, nhất là tại những khu vực, nơi có nguồn thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Ngày Môi trường thế giới năm 2019 được Liên hợp quốc tổ chức với thông điệp “Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta”, nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng môi trường không khí ở tất cả các thành phố và khu vực trên toàn thế giới, chống lại một trong những thách thức lớn về môi trường và sức khỏe của chúng ta.

Ngày Đại dương thế giới 2019 với chủ đề “Giới và Đại dương” nhằm tôn vinh vai trò, đóng góp của việc phát triển vấn đề giới trong việc gìn giữ một đại dương xanh và khỏe mạnh.


D.Hải
Ý kiến của bạn