Tham dự và chủ trì hội thảo có PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cùng các lãnh đạo phòng, ban của Cục; Đại diện Ban Cơ yếu chính phủ, Trung tâm chứng thực điện tử Quốc gia; Đại diện các bệnh viện: Bệnh viện ĐH Y- Dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh… cùng các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chữ ký số: VNPT, BKAV, Viettel, FPT…
PGS- TS Trần Qúy Tường Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Cục trưởng Trần Quý Tường cho biết hội thảo nhằm đẩy mạnh việc triển khai Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế về Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử. Tại hội thảo các đại biểu sẽ cùng thảo luận để đưa ra giải pháp về chữ ký số, những khó khăn, thuận lợi…
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cho biết Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã sử dụng bệnh án điện tử được 2 năm. Qua cuộc họp này ông mong muốn Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cũng như Ban cơ yếu Chính phủ ra văn bản thông báo với các đơn vị, các cơ quan liên quan đến bệnh án để các đơn vị có cơ sở pháp lý được quyền sử dụng chữ ký số. Nếu in ra giấy thì sẽ tốn kém rất nhiều về vật chất, mực in làm ảnh hưởng đến môi trường và nhà kho để đựng bệnh án.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng được nghe một số ý kiến của Bệnh viện đại học Y - Dược TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm chứng thực điện tử Quốc gia,…
Kết thúc hội thảo, PGS.TS Trần Quý Tường nhấn mạnh, qua hội thảo các đại biểu đã cho nhiều ý kiến rất tốt, làm rõ nhiều vấn đề. Tại thị trường hiện nay, các đơn vị đã có sử dụng chữ ký số, bắt buộc các bệnh viện phải triển khai bệnh án điện tử. Bộ Y tế đã ban hành thông tư 46 quy định về hồ sơ bệnh án điện tử rất rõ. Cục rất muốn đẩy mạnh triển khai chữ ký số và mong rằng chữ ký số không phải là rào cản để triển khai bệnh án điện tử.
Về cơ sở pháp lý chữ ký số có quy định của luật pháp, đầy đủ, không có vướng mắc, chữ ký số có giá trị như chữ ký tay. Bảo đảm tính an toàn thông tin và tính chính xác tốt hơn chữ ký tay.
Về kỹ thuật các đơn vị cung cấp chữ ký số đều khẳng định không vướng mắc gì.
Trong thời gian triển khai chữ ký số có những khó khăn cũng như thuận lợi. Thuận lợi lớn nhất là các đơn vị cấp chữ ký số rất nhiệt tình. Bên cạnh đó, khó khăn lớn là ở hiểu biết về chữ ký số của các cấp còn hạn chế. Sự đồng thuận chưa cao giữa các cơ quan. Cục trưởng mong muốn trong năm tới, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chữ ký số cũng như Trung tâm chứng thực điện tử Quốc gia tiếp tục đồng hành cùng Cục Công nghệ thông tin để đẩy mạnh triển khai chữ ký số, góp phần triển khai bệnh án điện tử.
Để giải quyết những khó khăn còn tồn tại Cục trưởng đề xuất một số giải pháp sau: Bộ Y tế sẽ dự thảo công văn gửi cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế triển khai thông tư 46 trong đó có nội dung chính là sử dụng bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy. Để triển khai, Cục sẽ có văn bản gửi cho các bệnh viện trực thuộc Bộ và 63 Sở Y tế giới thiệu về các doanh nghiệp cung cấp chữ ký số cho các bệnh viện biết.