Bệnh nhân được khẩn trương làm các xét nghiệm cấp cứu, phát hiện có phình động mạch chủ bụng, có dấu hiệu dọa vỡ. Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch đã nhanh chóng tiến hành can thiệp cấp cứu, đặt một dụng cụ đặc biệt gọi là stent graft vào trong lòng túi phình, loại bỏ hoàn toàn túi phình ra khỏi lưu thông mạch. Sau can thiệp, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng và xuất viện chỉ sau 2 ngày điều trị.
Các dấu hiệu của bệnh
Phần lớn động mạch chủ bụng không có triệu chứng, thường được phát hiện tình cờ khi siêu âm hoặc chụp phim cắt lớp vi tính. Triệu chứng rất khác nhau, bệnh nhân có thể đau vùng bụng, có cảm giác một khối đập theo nhịp tim ở vùng bụng hoặc có các dấu hiệu gián tiếp do khối phình chèn ép các cơ quan lân cận như niệu quản, tá tràng. Một số bệnh nhân có các dấu hiệu vỡ hay dọa vỡ: đột ngột đau bụng dữ dội, kèm theo sốc, tụt huyết áp.
Chẩn đoán thế nào?
Khi sờ thấy khối bất thường ở vùng bụng, đập theo nhịp tim thì người bệnh cần được đến bệnh viện chuyên khoa để khám và kiểm tra. Tuy nhiên, một số người bệnh béo khó sờ thấy khối phình.
Các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh dựa vào chủ yếu là siêu âm và chụp cắt lớp vi tính (CT).
Tỉ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời
Một số biến chứng của phình động mạch chủ bụng: bóc tách thành mạch; huyết khối bám thành gây tắc mạch tại chỗ, tắc mạch chi; vỡ khối phình động mạch.
Phình động mạch chủ bụng tiến triển chậm theo thời gian, thường không có biểu hiện lâm sàng cho đến khi dọa vỡ. Vỡ phình động mạch chủ là tình trạng cực kỳ nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong khi không được điều tri kịp thời khoảng 80 - 90%. Nguy cơ vỡ túi phình tăng theo thời gian và đặc biệt theo đường kính túi phình:
Phình động mạch chủ bụng có đường kính 4-5cm: nguy cơ tăng 1-3% mỗi năm.
Phình động mạch chủ bụng có đường kính 5-7cm: nguy cơ tăng 6-11% mỗi năm.
Phình động mạch chủ bụng có đường kính trên 7cm: nguy cơ tăng 20% mỗi năm.
MSCT trước mổ. Động mạch nhân tạo sau ghép. MSCT sau mổ.
Ứng dụng can thiệp nội mạch
Với phình động mạch chủ bụng có nguy cơ vỡ thấp (đường kính dưới 5cm): điều trị nội khoa, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và theo dõi định kỳ bằng chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, chụp CT).
Với phình động mạch chủ bụng có nguy cơ vỡ cao, đường kính trên 5cm: phẫu thuật thay đoạn động mạch chủ hoặc can thiệp nội mạch. Hiện nay, bên cạnh phương pháp phẫu thuật kinh điển thay đoạn động mạch phình bằng đoạn động mạch nhân tạo (polyester (Dacron) hoặc polytetrafluoroethylene (PTFE)) thì điều trị can thiệp nội mạch (stent-graft), can thiệp qua đường động mạch đùi, đặt một stent vào trong lòng khối phình. Đây là phương pháp không phải phẫu thuật, thời gian nằm viện ngắn, tuy nhiên nhược điểm chính là chi phí còn khá cao.
Can thiệp nội mạch được chỉ định cho những bệnh nhân nào:
Đối với các nước châu Âu, châu Mỹ chỉ định can thiệp khi đường kính đoạn phình mạch trên 5.5cm đối với nam và trên 5.0cm đối với nữ. Còn các nước châu Á thì đa số chọn chỉ định khi đường kính trên 5cm.
Phình động mạch có triệu chứng lâm sàng: khi phình động mạch chủ bụng có biểu hiện lâm sàng, điều đó đồng nghĩa với tình trạng dọa vỡ hoặc nguy cơ vỡ cao. Điều trị stent-graft là cần thiết cho dù đường kính khối phình động mạch ở bất cứ giá trị nào.
Phình động mạch dọa vỡ: triệu chứng lâm sàng đột ngột đau dữ dội, hình ảnh chụp cắt lớp vi tính có loét sâu, loét - tụ máu trong thành, thoát thuốc cản quang ra khoang sau phúc mạc.
Đường kính động mạch đoạn phình mạch tăng trên 1cm/năm.
Tuy nhiên, một số bệnh nhân không thể tiến hành can thiệp nội mạch liên quan đến cổ đoạn phình mạch: đường kính trên 33mm, đường kính trên 18mm, chiều dài trên 5mm, góc gập trên 60 độ, huyết khối bám thành quanh chu vi cổ đoạn phình mạch, mảng vôi hóa bám quanh chu vi cổ đoạn phình mạch hoặc động mạch chậu xoắn vặn và có các mảng vôi hóa lớn, đường kính động mạch chậu trên 7mm và một số bệnh nhân dị ứng với thuốc cản quang sẽ không thể làm can thiệp.
Để tiến hành làm can thiệp nội mạch, bệnh nhân cần phải thực hiện một số thăm khám rất quan trọng nhất là chụp cắt lớp vi tính động mạch (CTA) hệ thống động mạch chủ ngực - bụng, đánh giá tổn thương, đưa ra chỉ định can thiệp phù hợp. Lập kế hoạch lựa chọn kích thước đoạn mạch nhân tạo (sizing plan) là bước quan trọng nhất trong quy trình điều trị phình động mạch chủ bụng bằng stent-graft. Sau đó, bác sĩ can thiệp sẽ tiến hành đặt đoạn mạch nhân tạo qua kỹ thuật can thiệp nội mạch (đặt luồn qua da mà không cần phẫu thuật như phương pháp thông thường). Thời gian làm can thiệp thường chỉ kéo dài khoảng 60 phút. Sau đó, bệnh nhân sẽ được chuyển về khoa theo dõi tiếp trong khoảng 2 ngày.
Theo dõi sau can thiệp
Hầu hết bệnh nhân sau can thiệp, chỉ cần theo dõi và chăm sóc theo chế độ hậu phẫu thông thường, thời gian trung bình các bệnh nhân điều trị phình động mạch chủ bụng bằng stent-graft xuất viện sau khi can thiệp là 2-3 ngày. Kiểm tra, tái khám định kỳ, thời gian tái khám sau can thiệp là: 1,5 tháng - 3 tháng - 6 tháng - 12 tháng. Sau đó định kỳ mỗi 6 tháng.
Phình động mạch chủ bụng giai đoạn đầu hầu hết không có triệu chứng gì, vì thế cần khám sức khỏe định kỳ đều đặn để có thể phát hiện bệnh sớm. Khi phát hiện có phình động mạch chủ bụng thì quan trọng nhất là theo dõi tốc độ thay đổi kích thước túi phình để có quyết định can thiệp kịp thời. Khi nghi ngờ có dấu hiệu dọa vỡ (đột ngột đau bụng dữ dội, tụt huyết áp...), bệnh nhân cần được phẫu thuật hoặc can thiệp cấp cứu, tránh khối phình vỡ sẽ dẫn đến tử vong.
Tình trạng thành mạch bị xơ vữa, chịu áp lực cao liên tục, kéo dài có thể là nguyên nhân dẫn đến hình thành túi phình. Phình động mạch chủ bụng liên quan đến tuổi, giới (hay gặp ở nam), bệnh lý xơ vữa và tiền sử hút thuốc lá.