Hà Nội

Ứng dụng các biện pháp khoa học để lão hóa lành mạnh

GS.TS. Lê Thị Hương

GS.TS. Lê Thị Hương

Viện trưởng Viện đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng An toàn thực phẩm Trường Đại học Y Hà Nội

28-12-2020 14:00 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Lão hóa là một quá trình tự nhiên luôn diễn ra trong cơ thể mỗi chúng ta. Vậy có cách nào để làm chậm quá trình này?

Phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trò chuyện với GS.TS. Lê Thị Hương – Viện trưởng Viện đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng An toàn thực phẩm Trường Đại học Y Hà Nội xung quanh vấn đề này.

lão hóa lành mạnh

GS.TS. Lê Thị Hương

Phóng viên: Lão hóa là một quá trình không thể đảo ngược. Vậy có cách nào làm chậm quá trình này không, thưa GS?

GS.TS. Lê Thị Hương: Dù có làm cách nào đi chăng nữa thì quá trình lão hóa vẫn luôn diễn ra trong cơ thể mỗi chúng ta. Thực tế có nhiều người muốn giấu tuổi tác, sự già nua của mình bằng các biện pháp can thiệp mạnh như uống các thuốc nội tiết, thậm chí phẫu thuật thẩm mỹ… Tuy nhiên, tất cả các biện pháp này chỉ mang tính tạm thời, sau một thời gian nhất định người ấy vẫn phải quay trở lại với tuổi đời thực của mình.

Từ 35 tuổi trở đi cơ thể con người bắt đầu lão hóa, tuy nhiên mỗi người, mỗi bộ phận trong cơ thể lại lão hóa một cách rất khác nhau. Quá trình này chịu tác động của nhiều yếu tố, trong đó dinh dưỡng, lối sống, sức khỏe tâm thần, môi trường sống, yếu tố gene… là những nhân tố cơ bản.

Nếu một người có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, hợp lý, an toàn, có lối sống tích cực, lành mạnh, có sức khỏe tinh thần tốt, môi trường sống ít bị ô nhiễm, có gene di truyền khỏe mạnh, sống thọ… thì quá trình lão hóa các tế bào trong cơ thể người này tất yếu sẽ diễn ra chậm hơn, cơ thể họ khỏe mạnh, dẻo dai và trẻ lâu hơn so với những người bình thường. Ngược lại, nếu chế độ dinh dưỡng không hợp lý, mất cân đối, không an toàn, không đầy đủ chất dinh dưỡng, lối sống buông thả, bừa bãi, luôn bị căng thẳng, lo âu, môi trường sống ô nhiễm… thì ắt các tế bào trong cơ thể sẽ nhanh chóng bị oxy hóa, lão hóa, cơ thể chóng già, suy yếu…

lão hóa lành mạnhLão hóa là một quá trình không thể đảo ngược.

Phóng viên: GS có thể chia sẻ về lão hóa lành mạnh?

GS.TS. Lê Thị Hương: Lão hóa lành mạnh là quá trình lão hóa diễn ra một cách tự nhiên, tuân theo quy luật của cuộc sống, không can thiệp thô bạo vào diễn tiến của quá trình này mà chúng ta chỉ áp dụng các biện pháp khoa học, tự nhiên nhất để làm chậm lại quá trình này. Đó là sự tổng hòa các biện pháp như dinh dưỡng, lối sống, sức khỏe tinh thần… Chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp nhất cho một người (giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp, lượng vận động trong ngày…). Một người là nam hay nữ, ở tuổi nào, làm nghề gì, khả năng vận động ra sao… cần ăn bao nhiêu calo một ngày là đủ, bao nhiêu mỡ, bột đường, đạm là phù hợp và tối ưu nhất cho chính họ. Kết hợp với lối sống khoa học, lành mạnh, sức khỏe tinh thần tối ưu, luôn có tinh thần mạnh mẽ, thư thái, sảng khoái… sẽ giúp quá trình lão hóa được lành mạnh hơn.

Phóng viên: Thưa GS. vậy dinh dưỡng có vai trò gì đối với quá trình lão hóa lành mạnh?

GS.TS. Lê Thị Hương: Dinh dưỡng là một trong những yếu tố then chốt quyết định lão hóa lành mạnh. Nếu một người có chế độ dinh dưỡng không cân đối, thừa hay thiếu dinh dưỡng đều làm tổn hại quá trình này. Nếu thừa dinh dưỡng sẽ dẫn đến những hệ lụy như thừa cân, béo phì, sinh ra các bệnh như tim mạch, đái tháo đường, xương khớp, gút… Các bệnh này lại làm cho quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn. Việc ăn quá nhiều khiến cho các bộ phận trong cơ thể phải làm việc nhiều hơn, dẫn đến quá tải, tim, thận, gan và các bộ phận khác trong cơ thể đều phải làm việc tích cực hơn để hấp thu, chuyển hóa và đào thải các chất dinh dưỡng thừa, khiến chúng sẽ bị lão hóa nhanh hơn.

Ngược lại, thiếu dinh dưỡng gây ra suy dinh dưỡng, cơ thể suy yếu, thiếu chất, thiếu máu, thiếu sức sống… Những người suy dinh dưỡng không có thể lực tốt như người bình thường, cơ thể hao gầy, da xanh nhợt… Vì suy dinh dưỡng, thiếu sức sống nên sinh ra ngại vận động tạo thành vòng xoắn càng gầy càng yếu, quá trình lão hóa ở những người này cũng sẽ diễn ra nhanh hơn.

lão hóa lành mạnhChế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với  quá trình lão hóa.

Phóng viên: Như vậy, chế độ ăn uống hàng ngày sẽ rất quan trọng khiến chúng ta khỏe mạnh hay ốm yếu. Với tư cách là một chuyên gia về dinh dưỡng GS có lời khuyên gì tới độc giả Báo SK&ĐS trong thực hành dinh dưỡng?

GS.TS. Lê Thị Hương: Để có chế độ dinh dưỡng tốt giúp cho quá trình lão hóa lành mạnh, mọi người cần có một chế độ dinh dưỡng cân đối, đầy đủ, hợp lý và an toàn; cần ăn nhiều rau xanh, quả chín nhằm cung cấp cho cơ thể các vitamin và khoáng chất. Bởi các vitamin như vitamin A, B, C, E,  các khoáng chất như kẽm, selen, sắt, canxi... đều là các chất chống oxy hóa, giúp quá trình lão hóa ở cấp độ tế bào diễn ra chậm hơn. Chúng là các enzyme giúp quá trình chuyển hóa, hấp thu các chất dinh dưỡng trong cơ thể diễn ra tốt hơn.

Bên cạnh đó chúng ta cần hạn chế các loại chất béo no, chất béo chuyển hóa trung gian, các loại chất ngọt vì các loại chất béo này là nguyên nhân dẫn đến các bệnh như ung thư, tim mạch, mỡ máu, gút… Chất ngọt cũng dẫn đến các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể.

Cùng với chế độ dinh dưỡng tốt, chúng ta cần phải có sức khỏe tinh thần tốt, một tinh thần vững chãi để vượt qua các sóng gió của cuộc đời. Để có được điều này chúng ta cần có đam mê của riêng mình, giữ cho tinh thần luôn thư thái, cân bằng trong cuộc sống,  tránh căng thẳng tích tụ, lo âu, stress, nóng giận… Bởi các trạng thái tinh thần tiêu cực này sẽ hủy hoại sức khỏe thể chất của chúng ta. Ví dụ, khi nóng giận tim đập nhanh hơn, các mạch máu bị biến đổi, có những người vì các biến cố trong cuộc sống mà bị tai biến…

Chúng ta cũng cần chú ý rèn luyện cả trí óc, luôn để não làm việc, khi một bộ phận nào đó trong cơ thể không hoặc ít hoạt động đều sẽ bị lão hóa nhanh, suy yếu và hoạt động kém. Cần tránh lối sống buông thả, quá độ, khi một cơ quan hay bộ phận nào đó của cơ thể hoạt động quá nhiều cũng đều nhanh chóng bị lão hóa và suy yếu dần. Chính vì vậy chúng ta cần biết cách cân bằng trong cuộc sống trong mọi hoạt động từ ăn uống, làm việc, vận động, rèn luyện…

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn GS. về cuộc trò chuyện này!


Mai Hương (thực hiện)
Ý kiến của bạn
Tags: