Bài thuốc được nhiều tác giả nghiên cứu trên lâm sàng và bài thuốc này là bài thuốc phối hợp của bài Tứ vật đào hồng thang với Tứ nghịch tán, lại thêm cát cánh, ngưu tất.
Các công trình nghiên cứu
Nguyễn Minh Hà, Nguyễn Công Thực (Viện Y học cổ truyền Quân đội) đề tài: Đánh giá tác dụng làm giãn mạch và chống đông máu trên thỏ thực nghiệm của dịch hòa tan Viên nang Dưỡng tâm đan (bào chế dựa trên bài thuốc Huyết phủ trục ứ thang) cho kết quả: dịch hòa tan viên nang Dưỡng tâm đan 1,5% có tác dụng làm giãn mạch trên tai thỏ cô lập; dịch hòa tan viên nang Dưỡng tâm đan 1,5% có tác dụng chống đông máu invitro như: kéo dài thời gian Quick, thời gian APTT, thời gian thrombin và làm giảm độ ngưng tập tiểu cầu. Tác dụng giãn mạch và kháng đông của lô dùng viên nang dưỡng tâm đan là tương đương trên tất cả các chỉ tiêu nghiên cứu. Nghiên cứu cũng cho thấy bài thuốc Huyết phủ trục ứ thang không làm ảnh hưởng lên chức năng gan và thận của thỏ thực nghiệm.
Nhóm tác giả Lê Thị Bình, Lê Thanh Nhạn (Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam) và Lê Thị Kim Oanh (Viện Y dược học dân tộc TP.HCM) thực hiện nghiên cứu trên 30 bệnh nhân tuổi từ 18 - 75, điều trị tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM từ 8/2011 - 6/2012 nhằm đánh giá tác dụng điều trị suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới trên lâm sàng của bài thuốc Huyết phủ trục ứ thang, đồng thời xác định tác dụng không mong muốn của bài thuốc này.
Sau khi cho 30 bệnh nhân dùng cao lỏng Huyết phủ trục ứ thang: ngày 1 chai / 3 lần uống trong ngày, uống khi no, liệu trình điều trị 30 ngày, kết quả cho thấy Huyết phủ trục ứ thang có tác dụng giảm bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới, hiệu quả giảm đau, chuột rút, nặng mỏi, phù. Chỉ số cận lâm sàng về chức năng thận, gan, hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, glucose, cholesterol, tryglycerid, HDL-C (cholesterol tỉ trọng cao) và LDL-C (cholesterol tỉ trọng thấp), không thay đổi sau khi uống thuốc (p>0,05). Mạch, huyết áp không thay đổi trước và sau điều trị với p>0,05. Tác dụng không mong muốn chiếm tỉ lệ rất thấp, tiêu chảy (10%), đầy bụng (6,7%), buồn nôn (6,7%), tất cả đều hết ngay sau khi xử lý.
Đặng Minh Hằng, Trần Thị Phương Linh - Đại học Y Hà Nội 2007: nghiên cứu bài thuốc Huyết phủ trục ứ thang, thành phần gồm: đào nhân, hồng hoa, xuyên khung, đương quy, ngưu tất, sinh địa, xích thược, sài hồ, chỉ xác, cát canh, cam thảo. Liệu trình điều trị 30 ngày. Kết quả điều trị 30 bệnh nhân có đau thắt ngực do bệnh mạch vành, sau điều trị tác dụng làm giảm tần số cơn đau ngực sau điều trị đạt tỉ lệ 83,3%, tác dụng cải thiện thiếu máu cục bộ trên điện tâm đồ và điện tâm đồ gắng sức đạt tỉ lệ 53,3%, tác dụng giảm độ ngưng tập tiểu cầu sau điều trị có ý nghĩa thống kê với P<0,05.
Ngưu tất
Những tác dụng
Thiếu máu cục bộ cơ tim: một nghiên cứu báo cáo hiệu quả đến 89,3% khi sử dụng Huyết phủ trục ứ thang để điều trị bệnh nhân cao tuổi bị thiếu máu cục bộ tim. Trong số 84 bệnh nhân, nghiên cứu báo cáo cải thiện đáng kể trong 29 trường hợp, vừa phải cải thiện trong 46 trường hợp, và không có tác dụng trong 9 trường hợp. Thời gian từ 1 - 3 đợt điều trị.
Viêm tĩnh mạch: huyết phủ trục ứ thang chứng minh là có hiệu quả điều trị viêm tĩnh mạch. Ngoài công thức cơ bản, gia mẫu đơn bì, đã được bổ sung điều trị tấy đỏ và sưng liên quan đến huyết nhiệt; tam thất được thêm vào để kháng viêm; và huỳnh kỳ đã được bổ sung để bổ khí. Mỗi liệu trình điều trị là 7 ngày. Trong số 38 bệnh nhân, nghiên cứu báo cáo lợi ích đáng kể trong 8 trường hợp, cải thiện vừa phải trong 29 trường hợp, và không có hiệu lực trong 1 trường hợp.
Tai biến mạch máu não: lợi ích trong việc ngăn ngừa và điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ và đã được phối hợp với nhiều bài thuốc, bao gồm cả Huyết phủ trục ứ thang, Bổ dương hoàng ngũ thang, Tiểu tục mệnh thang. Các cơ chế của những tác dụng có lợi là do chống tăng cholesterol máu, chống oxy hóa, ngăn sự hình thành của các gốc tự do.
Xơ vữa động mạch não: 63 bệnh nhân điều trị với kết quả tốt bằng cách sử dụng Huyết phủ trục ứ thang phối hợp với châm cứu.
Thận trọng và chống chỉ định
Huyết phủ trục ứ thang là chống chỉ định trong thai kỳ, đang dùng thuốc chống đông (như aspirin, clopidogrel, warfarin, heparin…), người có tiền căn bệnh rối loạn đông máu, đang bị xuất huyết, loét dạ dày tá tràng, tiền căn xuất huyết não.
Thận trọng: nếu đang uống kháng sinh thì uống cách nhau 90 phút.
Khi dùng thuốc phải theo dõi có xuất huyết dưới da, chảy máu bất thường hay không.
Nếu sử dụng trong một thời gian kéo dài, thảo dược bổ huyết nên được bổ sung cho phù hợp.