Sáng ngày 22/9, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược (BV ĐHYD) TP.HCM cho biết, 2 người bệnh bị đột quỵ cấp đã phục hồi ngoạn mục nhờ các bác sĩ của BV ứng dụng kỹ thuật kết hợp hút và rút huyết khối (ARTS). Theo TS.BS. Nguyễn Minh Anh - Trưởng khoa Ngoại thần kinh - BV ĐHYD, BV ĐHYD là một trong những BV đầu tiên trên cả nước áp dụng phương pháp này để điều trị các trường hợp tắc mạch máu lớn nội sọ, khi hút hoặc rút huyết khối đơn thuần không tái thông được mạch máu hoàn toàn.
Phục hồi ngoạn mục nhờ ứng dụng kỹ thuật ARTS
Trường hợp đầu tiên là người bệnh Đỗ Văn H., 42 tuổi, ngụ tại TP.HCM, hiện là doanh nhân, có thói quen hút thuốc lá 1,5 - 2 gói/ngày trong vòng 10 năm nay. Cách đây 1 tuần, vào lúc 2h sáng, người nhà phát hiện người bệnh đột ngột khó nói, méo mặt, xoay mắt và đầu sang một bên, liệt nửa người trái, không tiếp xúc. Người bệnh nhanh chóng được cấp cứu tại BV ĐHYD vào lúc 3h30 sáng. Quy trình báo động đỏ về đột quỵ mới nhất và hiện đại ngang tầm quốc tế đã được khởi động trong đêm, tranh thủ từng phút cứu người bệnh với sự tham gia tổng lực của các y bác sĩ của Khoa Cấp cứu, Đơn vị đột quỵ Khoa Thần kinh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh và ê-kíp y bác sĩ Can thiệp mạch máu não. Ông H. được khám, chụp CT khẩn và được chẩn đoán nhồi máu não vùng thân não, tắc động mạch đốt sống thân nền. Người bệnh được chích thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch và chuyển ngay lên phòng can thiệp chỉ trong 1h sau đó. Qua hình chụp DSA cho thấy người bệnh bị tắc động mạch thân nền, được tái thông động mạch tắc bằng kỹ thuật mới kết hợp hút bằng ống thông lớn và kéo huyết khối bằng stent. Tái thông thành công sau 30 phút. 6h sau can thiệp, người bệnh phục hồi nhanh chóng, nói chuyện được tuy còn ngọng, bớt yếu liệt nửa người, không còn xoay mắt và đầu sang bên, tỉnh táo tiếp xúc tốt. 3 ngày sau can thiệp, người bệnh hồi phục gần như hoàn toàn, nói chuyện rõ, không yếu liệt chi, tỉnh táo hoàn toàn.
TS.BS. Nguyễn Bá Thắng (ở giữa) thăm hỏi bệnh nhân đột quỵ cấp đang điều trị tại bệnh viện.
Bệnh nhân thứ 2 là Nguyễn Văn T., 46 tuổi, quê quán tại Tiền Giang, tiền căn đột quỵ não do tắc động mạch giữa cách đây 2 năm và được điều trị nội khoa. Trong lần tái khám cách đây 5 ngày, người bệnh được chụp mạch máu não bằng CT scan thì thấy tắc mạch máu não cũ nên có chỉ định nhập viện để chụp DSA mạch não khảo sát. Đang nằm viện thì người bệnh đột ngột lơ mơ, tiếp xúc kém, liệt mặt 1 bên, yếu nửa người bên phải, phát âm không rõ. Người bệnh được phát hiện triệu chứng chỉ vài phút sau khởi phát và quy trình khẩn dành cho cấp cứu đột quỵ được khởi động ngay. Hình ảnh học CT Scan loại trừ xuất huyết, DSA khảo sát được thực hiện chỉ 30 phút sau khởi phát triệu chứng, phát hiện huyết khối tắc động mạch não. Người bệnh được can thiệp lấy huyết khối, kết hợp hút bằng ống thông lớn và rút huyết khối cơ học bằng stent. Huyết khối được lấy ra chỉ 40 phút sau can thiệp. Người bệnh hồi phục gần như hoàn toàn sau can thiệp 3h. Đây là một trường hợp điển hình rất may mắn khi được cấp cứu tại chỗ và xử trí nhanh bằng một quy trình hoàn chỉnh, máy móc thiết bị hiện đại và đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao phối hợp rất nhịp nhàng, tranh thủ từng phút vàng cứu người bệnh, giúp người bệnh có sự phục hồi ngoạn mục và nhanh chóng.
BSCKI. Trần Quốc Tuấn - Khoa Ngoại thần kinh cho biết, hai trường hợp này bị đột quỵ cấp do lấp mạch não (tắc mạch máu lớn trong não). Theo Tổ chức Y tế Thế giới thì đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam (chiếm hơn 20% các trường hợp tử vong mỗi năm). Ước tính mỗi năm ở VN có hơn 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% tử vong. Bên cạnh đó, theo các thống kê từ Mỹ thì trong các trường hợp đột quỵ, 80 - 85% là nhồi máu não, phần nửa trong số đó (khoảng 40% các trường hợp đột quỵ) là do tắc các mạch máu lớn trong não như trường hợp hai người bệnh điển hình nêu trên.
Còn theo TS.BS. Nguyễn Bá Thắng - Trưởng Đơn vị đột quỵ, đột quỵ nói chung và đột quỵ lấp mạch não nói riêng có nguy cơ tử vong khá cao và nguy cơ để lại di chứng tàn tật ảnh hưởng cuộc sống người bệnh sau này cũng rất cao (khoảng 10 - 20% tử vong và hơn 80% di chứng nặng nề nếu không điều trị kịp thời). Với các tiến bộ trong điều trị đột quỵ hiện nay, nếu người bệnh đột quỵ lấp mạch não có tắc các mạch máu lớn trong não được tiếp cận điều trị trong thời gian vàng với thuốc tan huyết khối (trong 4 - 5 giờ đầu) và can thiệp tái thông mạch não (trong 6 giờ đầu) thì cơ hội để người bệnh hồi phục có thể tự sinh hoạt về sau là hơn 50%.
Ống thông hút huyết khối .
Phần lớn người bệnh đột quỵ không đến BV trong thời gian vàng
TS.BS. Nguyễn Bá Thắng cho biết: “Phần lớn người bệnh đột quỵ không đến được BV trong thời gian vàng. Ngay ở Hoa Kỳ, ước tính chỉ 10% người bệnh đột quỵ lấp mạch não là đến được BV trong thời gian vàng để được điều trị tái thông mạch não kịp thời. Còn tại BV ĐHYD, tỉ lệ người bệnh đột quỵ nhập viện cấp cứu sớm trong vòng 6 giờ kể từ khi khởi phát chỉ khoảng 5%. "Chạy đua với thời gian" là vấn đề khó khăn nhất trong điều trị loại bệnh lý này”.
Thuốc tan huyết khối (tiêu sợi huyết) là điều trị nền tảng và không thể thiếu nếu người bệnh đến kịp lúc trong 4 - 5 giờ đầu tiên (tốt nhất trong 3h đầu tiên). Tuy nhiên, phương pháp này chỉ tái thông được 20 - 25% các mạch máu lớn. Trong trường hợp tắc các mạch máu nhỏ thì hiệu quả cao hơn.
Can thiệp nội mạch nhằm tái thông mạch máu tắc nhanh nhất có thể được triển khai khoảng 15 năm nay. Trong giai đoạn đầu, các phương pháp này cho hiệu quả tái thông không thật sự cao (chỉ tầm 50% tái thông thành công và thường không hoàn toàn) và nguy cơ chảy máu não khá cao (10 - 20%) nên vai trò của các phương pháp này chưa rõ ràng. Chỉ đến khoảng 2 - 3 năm gần đây, các dụng cụ can thiệp và kỹ thuật can thiệp ngày càng được hoàn thiện dần và cho tỷ lệ tái thông hoàn toàn cao hơn lên đến 70 - 80%, nguy cơ tai biến xuất huyết thấp hơn 5 - 10% thì vai trò của can thiệp tái thông trong điều trị nhóm bệnh lý này mới được chứng minh rõ ràng bằng một loạt các nghiên cứu năm 2015 như Mr Clean, ESCAPE, SWIFTPRIME... Kể từ đó, can thiệp tái thông mạch não được chính thức đưa vào khuyến cáo nên áp dụng cho các người bệnh trên toàn thế giới.
BSCKI. Trần Quốc Tuấn cho biết rõ hơn: “Về cơ bản, có 2 nhóm kỹ thuật can thiệp tái thông mạch não là hút huyết khối áp lực âm bằng ống thông lớn và rút huyết khối bằng dụng cụ dạng stent (stent-retrivers). Khi sử dụng riêng lẻ, mỗi phương pháp này cho kết quả tái thông tốt trong khoảng 70% trường hợp. Tuy nhiên, khi sử dụng kết hợp cả 2 phương pháp đúng cách thì hơn 95% trường hợp tắc các mạch máu lớn trong não có thể tái thông thành công với nguy cơ không quá cao. Trên thế giới gọi phương pháp kết hợp này là kỹ thuật kết hợp hút và rút (kéo) huyết khối ARTS. BV ĐHYD là một trong những BV đầu tiên cả nước áp dụng phương pháp này để điều trị các trường hợp tắc mạch máu lớn nội sọ khi hút hoặc rút huyết khối đơn thuần không tái thông được mạch máu hoàn toàn”.
Huyết khối trên stent khi kéo ra.
Phối hợp đồng bộ của các chuyên khoa trong điều trị bệnh lý đột quỵ
Theo TS.BS. Nguyễn Minh Anh: “BV ĐHYD có được sự phối hợp đồng bộ và rất nhanh chóng trong điều trị đột quỵ từ các chuyên Khoa Cấp cứu, Chẩn đoán hình ảnh, Nội thần kinh, Đơn vị đột quỵ và Can thiệp mạch não - Ngoại thần kinh. Lực lượng trực đêm của BV cũng đảm bảo giải quyết được các trường hợp đột quỵ trong đêm. Hiện tại, khi người bệnh đột quỵ được phát hiện thì hệ thống báo động được khởi động khẩn cấp. Trung bình những người bệnh này sẽ được tiếp cận chẩn đoán - điều trị ngay trong vòng 15 - 30 phút”.
Các yếu tố nguy cơ tim mạch chung như hút thuốc lá, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, đái tháo đường… cũng là các yếu tố nguy cơ đột quỵ.
Riêng thuốc lá là nguy cơ rất cao cho đột quỵ. Ước tính người hút thuốc lá nhiều hơn 1 gói/ngày như trường hợp người bệnh đầu tiên thì nguy cơ đột quỵ tăng lên gấp 4 lần, còn hút thuốc ít hơn thì có nguy cơ đột quỵ cao gấp đôi so với bình thường. Nếu ngưng hút thuốc từ 2 năm trở lên, nguy cơ đột quỵ bắt đầu giảm xuống và ngưng được 5 năm thì nguy cơ trở về bằng với người không hút thuốc.
Một số bệnh lý gây đột quỵ có tính gia đình như dị dạng mạch máu, túi phình mạch máu não hoặc các bất thường tắc nghẽn mạch máu bẩm sinh… nên khi người bệnh được chẩn đoán các bệnh này thì người thân trong gia đình cũng nên được tầm soát các bệnh lý tương tự.
Đột quỵ nếu xảy ra thường rất nặng nề nên phòng bệnh hơn chữa bệnh bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ như không hút thuốc, hạn chế bia rượu, tập thể dục đều đặn, giữ cân nặng, huyết áp lý tưởng và khám sức khỏe định kỳ mỗi năm.
Người bệnh bị đột quỵ được tiếp cận điều trị càng sớm thì tiên lượng càng tốt. Đột quỵ lấp mạch não có thời gian vàng rất ngắn, chỉ từ 3 - 6h nên cần nhận thức được "thời gian là não", chạy đua với thời gian để đưa người bệnh đến cơ sở y tế có điều trị đột quỵ chuyên sâu nhanh nhất có thể.