BS Phan Thị Hải- Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cho biết, sau khi Nghị định số 176/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế được ban hành, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá đã hỗ trợ các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố tổ chức tập huấn cho 8.271 công an các tỉnh, thành phố về xử lý vi phạm hành chính về phòng chống tác hại Thuốc lá.
Công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng có nhiều chuyển biến với sự tham gia tích cực của lực lượng công an các tỉnh, thành phố thông qua sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá Bộ Công an; sự tham gia của thanh tra Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân một số quận tại Hà nội như quận Hoàn kiếm, Tây Hồ, Hoàng Mai, Đống Đa.
Tại các tỉnh, thành phố, công tác kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng chống tác hạithuốc lá cũng được các đơn vị nhận hỗ trợ của Quỹ tham mưu cho Lãnh đạo các Sở ngành và Ủy ban nhân dân các cấp để thành lập đoàn kiểm tra liên ngành hoặc lồng ghép với các nội dung kiểm tra khác trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2015-2018, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra hơn 4.000 đơn vị trên toàn quốc.
Về việc kiểm tra vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP, theo Báo cáo của Bộ Công An, công an các tình, thành phố đã bắt và xử lý 2.316 vụ với số tiền phạt là 37,324 tỷ đồng.
Tuy nhiên, BS Hải cũng thẳng thắn cho hay, hiện nay công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về phòng chống tác hại thuốc lá còn gặp rất nhiều khó khăn như: Lực lượng thanh tra mỏng trong khi ý thức tuân thủ các quy định cấm hút thuốc của nhiều người còn hạn chế; Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, lại được bày bán khắp nơi, là một nguyên nhân làm gia tăng việc hút thuốc ngay cả tại những nơi có quy định cấm; Hành vi hút thuốc xảy ra nhanh, các lực lượng chức năng khó khăn trong việc xác định vi phạm nếu không có các thiết bị nghiệp vụ được phép sử dụng làm cơ sở cho việc xử phạt (phạt nguội);
Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá không được phép hỗ trợ kinh phí cho hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm. Do đó thời gian qua, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, việc kiểm tra chủ yếu mới chỉ tập trung tại khu vực khách sạn, nhà hàng và một số cơ sở trường học, bệnh viện, nơi làm việc, bến tàu, xe...
Để nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tăng cường sự giám sát của người dân, kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về các hành vi vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đang xây dựng và thí điểm ứng dụng phần mềm (app) trên điện thoại di động.
Ứng dụng này cho phép người dân chụp và gửi các hình ảnh vi phạm Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và gửi tới các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời, đặc biệt là các hành vi vi phạm các quy định về địa điểm cấm hút thuốc, hành vi không treo biển có chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc tại các địa điểm như khách sạn, nhà hàng, nơi làm việc, bến tàu, xe...; hành vi trưng bày số lượng bao/tút/hộp thuốc lá tại các điểm bán lẻ vượt quá số lượng được phép...Ứng dụng này dự kiến sẽ thí điểm tại 02 quận của thành phố Hà Nội trong thời gian tới.
Tổ chức y tế thế giới cho biết mỗi năm có 8 triệu người chết do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá mỗi năm trên toàn cầu. Hơn 1 triệu người chết vì các bệnh do hút thuốc lá thụ động mỗi năm trên toàn thế giới.
Vì thế, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá quy định: Cấm hút thuốc lá tại cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc và trên phương tiện giao thông công cộng; Cấm hút thuốc lá tại khu vực trong nhà của nhà hàng, quán cà phê; Cấm hút thuốc lá tại khu vực trong nhà của bến tàu, bến xe. Mọi người có quyền được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá.