Ứng dụng AI giúp tạo cơ hội mới nghiên cứu, phát triển các phương pháp điều trị tiên tiến

27-09-2024 15:17 | Y tế

SKĐS - “Ứng dụng AI trong y tế giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế mà còn tạo ra cơ hội mới cho việc nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị tiên tiến” - Đây là thông tin được đề cập trong Hội nghị khoa học lần thứ 32 của Bệnh viện Bạch Mai diễn ra tại Hà Nội.

Hội nghị Khoa học lần thứ 32 của Bệnh viện Bạch Mai với chủ đề "Ứng dụng kỹ thuật cao và trí tuệ nhân tạo trong khám bệnh, chữa bệnh" diễn ra trong 3 ngày từ 25-27/9, là một sự kiện quan trọng, không chỉ đánh dấu bước tiến lớn trong lĩnh vực y học mà còn mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển và đổi mới trong công tác chăm sóc sức khỏe.

Ứng dụng AI giúp tạo cơ hội mới nghiên cứu, phát triển các phương pháp điều trị tiên tiến- Ảnh 1.

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phát biểu tại hội nghị.

Với 32 phiên khoa học và gần 300 báo cáo, Hội nghị Khoa học lần thứ 32 của Bệnh viện Bạch Mai thể hiện sự tham gia đông đảo và nhiệt tình của các nhà nghiên cứu, các bác sĩ, các chuyên gia trong và ngoài nước.

"Chúng ta cùng nhau quy tụ tại đây để khám phá những tiến bộ mới nhất trong việc ứng dụng kỹ thuật cao và trí tuệ nhân tạo vào thực tiễn khám chữa bệnh, một lĩnh vực đang không ngừng phát triển và tạo ra những thay đổi sâu rộng trong ngành y tế"- PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã nhấn mạnh những thông tin này khi phát biểu tại hội nghị.

Theo ông Cơ, không thể phủ nhận trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tiên tiến đang dần trở thành những công cụ không thể thiếu trong công tác khám và điều trị bệnh. Từ việc hỗ trợ chẩn đoán bệnh chính xác hơn, đến việc phát triển các phương pháp điều trị cá nhân hóa và tối ưu hóa quy trình chăm sóc, công nghệ đã và đang tạo ra những bước đột phá quan trọng.

Những tiến bộ này không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế mà còn tạo ra cơ hội mới cho việc nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị tiên tiến.

Nhiều báo cáo trình bày tại hội nghị về vai trò của công nghệ tiên tiến - trí tuệ nhân tạo trong khám, chữa bệnh của các báo cáo viên đã làm rõ thêm nhận định của PGS.TS Đào Xuân Cơ.

Theo đó, PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện đã triển khai đa dạng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như thanh toán QR Code tĩnh; Thanh toán cà thẻ Visa, Master...; Thanh toán qua cấp thẻ ngân hàng; Thanh toán QRCode động kết nối với phần mềm khám chữa bệnh; Cùng đó, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp tục triển khai đa dạng các loại hình thanh toán QR on POS/ Smart POS và triển khai tạm ứng trực tiếp tại các đơn vị điều trị nội trú...

PGS.TS Vũ Văn Giáp cũng thông tin thêm, bệnh viện đã triển khai các hệ thống phần mềm phục vụ Quản lý, chỉ đạo điều hành; Quản lý Tài sản và tài chính kế toán; Triển khai phần mềm trên hệ thống máy chủ bệnh viện... Hiện bệnh viện đang thực hiện nhập dữ liệu trên toàn viện.

Cùng đó tại bệnh viện này đã triển khai thí điểm thành công bệnh tại 6 đơn vị là Trung tâm Hô hấp, Khoa Răng Hàm Mặt, Khoa Mắt, Khoa Tai Mũi Họng, Khoa Khám bệnh và Khoa Da Liễu & Bỏng.

"Đây cũng sẽ là đơn vị thực hiện mô hình điểm về chuyển đổi số về triển khai sổ sức khỏe điện tử trển VNeID do Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Công an thực hiện"- đại diện Bệnh viện Bạch Mai thông tin và cho biết thêm: Bệnh viện đã ban hành quy chế sử dụng chữ ký số, chữ ký điện tử và hiện thiết lập các chữ ký số, chữ ký điện tử cho hơn 1500 nhân viên y tế.

"Việc này góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho cả y bác sĩ và người dân khi đi khám chữa bệnh"- PGS.TS Vũ Văn Giáp nói.

Ứng dụng AI giúp tạo cơ hội mới nghiên cứu, phát triển các phương pháp điều trị tiên tiến- Ảnh 2.

PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai tham luận tại hội nghị.

Tuy nhiên phân tích thêm về nguyên nhân hiện mới triển khai bệnh án điện tử thí điểm tại 6 đơn vị, Bệnh viện Bạch Mai cho biết do hạ tầng mạng cũ, băng thông thấp, bệnh viện đang sử dụng nhiều phần mềm của các đối tác khác nhau nhưng không liên thông với nhau phục vụ quản lý của bệnh viện… nguồn nhân lực về công nghệ thông tin còn mỏng.

Để khắc phục tình trạng này bệnh viện đã thực hiện chiến lược chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột: nhân sự, hạ tầng mạng, hệ thống phần mềm (quản lý bệnh viện, bệnh án điện tử, trả kết quả bệnh nhân, đăng ký khám bệnh trực tuyến).

Cũng theo thông tin tại hội nghị cho thấy, theo lộ trình quy định tại Thông tư số 46 của Bộ Y tế, đến hết năm 2023, phải có 135 bệnh viện hạng 1 triển khai bệnh án điện tử thành công và khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh khác triển khai.

Thế nhưng đến thời điểm này cả nước mới có 94/1400 cơ sở khám, chữa bệnh công bố đã triển khai bệnh án điện tử, điều này cho thấy việc triển khai bệnh án điện tử trên quy mô cả nước đang diễn ra khá chậm, trong khi lợi ích của việc triển khai bệnh án điện tử rất rõ ràng.

Bệnh án điện tử, vì sao chậm?Bệnh án điện tử, vì sao chậm?

SKĐS - Cả nước hiện có 94 cơ sở khám, chữa bệnh công bố đã triển khai bệnh án điện tử. Lợi ích của bệnh án điện tử rất rõ ràng, lợi bệnh viện và giúp ích cho người bệnh. Vì sao triển khai chậm?

Thái Bình/ Ảnh: Thế Anh
Ý kiến của bạn