Những con số đáng quan ngại liên quan đến bệnh đột quỵ nêu trên được GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đưa ra tại phiên khai mạc sáng nay - 9/11 của hội nghị đột quỵ quốc tế năm 2024 với chủ đề "Tiếp cận đa chuyên khoa và trí tuệ nhân tạo" do Hội Đột quỵ TP Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai và Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp tổ chức.
Đây là sự kiện ý nghĩa quy tụ những tinh hoa trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nơi chúng ta có thể cùng nhau thảo luận, chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm mới nhất nhằm tìm ra những giải pháp đột phá cho công tác điều trị và dự phòng đột quỵ.
Cứ 3 giây có 1 người bệnh đột quỵ trên thế giới
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, đột quỵ hiện là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên toàn cầu, đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống y tế của nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Hậu quả của đột quỵ não không chỉ ảnh hưởng ở mỗi gia đình mà còn ảnh hưởng tới những vấn đề mang tính xã hội như gánh nặng y tế và lực lượng lao động, chi phí liên quan tới người bệnh đột quỵ chiếm khoảng 1.12% GDP toàn thế giới. Do đó, việc nâng cao chất lượng chuyên môn là rất cần thiết để phát triển chuyên ngành đột quỵ nhằm đáp ứng nhu cầu cao cho toàn xã hội.
"Mỗi trường hợp đột quỵ không chỉ là một người bệnh cần điều trị mà còn là một mạng sống, một gia đình bị ảnh hưởng trầm trọng.
Chính vì vậy, Bộ Y tế đặc biệt coi trọng việc nghiên cứu, cập nhật và triển khai các chiến lược phòng ngừa, cấp cứu và điều trị đột quỵ một cách toàn diện. Với sự gia tăng nhanh chóng về số lượng và độ phức tạp của các ca bệnh, đòi hỏi hệ thống y tế phải có những bước tiến vượt bậc về cả công nghệ và mô hình tổ chức"- GS.TS Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Đột quỵ là một căn bệnh phức tạp, đòi hỏi sự hợp tác của nhiều chuyên ngành từ y học thần kinh, cấp cứu, phục hồi chức năng cho đến tâm lý học, nhằm mang lại kết quả tốt nhất cho người bệnh. Tiếp cận đa chuyên khoa không chỉ đơn thuần là sự hợp tác giữa các chuyên ngành mà còn tạo nên sức mạnh tổng hợp, cho phép chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về đột quỵ.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang mở ra những chân trời mới trong y học hiện đại. Trong lĩnh vực đột quỵ, AI giúp chúng ta phân tích nhanh chóng và chính xác dữ liệu hình ảnh, dự đoán diễn biến bệnh, tối ưu hóa kế hoạch điều trị và thậm chí cá nhân hóa phương pháp phục hồi chức năng cho từng bệnh nhân.
"Với các quốc gia đang phát triển, AI cũng tạo điều kiện giúp chúng ta rút ngắn khoảng cách trong công tác chẩn đoán và điều trị so với các nước tiên tiến"- GS.TS Trần Văn Thuấn nói.
Cần thiết nhanh chóng hình thành hệ thống chuyên khoa, trung tâm đột quỵ tại các cơ sở y tế
Thông tin với báo chí tại hội nghị, PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết hiện nay chuyên ngành đột quỵ của Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ so với các nước trong khu vực. Chủ tịch Hội đột quỵ thế giới khi đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai đã đánh giá cao, ấn tượng với hệ thống cấp cứu đột quỵ của Việt Nam
Nghiên cứu mới nhất cho thấy có khoảng 60% bệnh nhân sau đột quỵ trở lại cuộc sống bình thường. Trong số 40% còn lại, có khoảng 10% bệnh nhân tử vong, 30% là bị các di chứng tàn phế, gây ra những gánh nặng cho gia đình và xã hội.
"Để giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế do đột quỵ gây ra, điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của người bệnh đột quỵ phải được đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu và điều trị kịp thời trong giờ vàng (3-4,5 giờ kể từ khi khởi phát dấu hiệu đột quỵ đầu tiên- PV).
Tiếp đến hệ thống y tế phải hình thành các Khoa, Trung tâm đột quỵ chuyên biệt để nâng cao khả năng khả năng cấp cứu, điều trị cho người bệnh đột quỵ"- PGS.TS Mai Duy Tôn nói và cho biết thêm: Khi bệnh nhân vào viện cấp cứu nếu được tiếp cận ngay bác sĩ chuyên khoa đột quỵ sẽ được điều trị chuyên biệt, giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng và đặc biệt việc quản lý dự phòng cho bệnh nhân sau khi ra viện sẽ tốt hơn nhiều.
Tuy nhiên, trên thực tế theo chuyên gia này, mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn tại Thông tư 47 về lộ trình thành lập các Khoa, Trung tâm đột quỵ tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đến năm 2025, thế nhưng hiện nay tại một số tỉnh, thành khu vực miền Trung, miền Nam... vẫn đang là đơn vị đột quỵ trong chuyên khoa thần kinh, chưa hình thành các khoa hay trung tâm độc lập.
"Khoảng 50% bệnh nhân ở các khoa, trung tâm thần kinh là bệnh nhân đột quỵ. Nếu có khoa, trung tâm đột quỵ riêng biệt thì người bệnh sẽ hưởng lợi rất nhiều, được bác sĩ, điều dưỡng chuyên về đột quỵ theo dõi, chăm sóc 24/7"- PGS. TS Mai Duy Tôn cho biết thêm.
Chuyên gia cũng đưa ra 3 khuyến cáo tầm soát, phòng ngừa đột quỵ ở cả người trẻ và các nhóm đối tượng khác như sau:
- Mỗi người nên thường xuyên tập luyện, vận động, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc, ăn uống không lành mạnh.
- Tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quỵ: tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường….
- Khi có một trong các biểu hiện của đột quỵ (giảm thị lực, yếu tay chân, nói ngọng/nói khó, đau đầu, chóng mặt…. ) cần đưa người bệnh đến ngay các đơn vị điều trị đột quỵ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Hội nghị đột quỵ quốc tế năm 2024 là nơi quy tụ các chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, nghiên cứu viên... trong nước và quốc tế tham dự.
Chia sẻ thêm, PGS.TS Mai Duy Tôn cho hay, trong năm 2025, khoảng 10 bác sĩ chuyên khoa đột quỵ của Bệnh viện Bạch Mai sẽ đến học tập nâng cao chuyên môn tại Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) theo các khóa đào tạo ngắn hạn.
Đây là một phần trong chương trình đào tạo sau đại học chuyên ngành đột quỵ và bệnh lý mạch máu não cho bác sĩ do dự án của USAID thông qua đối tác là tổ chức HI triển khai tại Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) trong 2 năm.
Bên cạnh đó, dự án này còn tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ đa ngành để đảm bảo người bệnh được chăm sóc liên tục trong suốt quá trình điều trị; tăng cường phối hợp, chia sẻ các kỹ năng thực hành tốt và hỗ trợ kỹ thuật thông qua các mạng lưới quốc gia và quốc tế; và nâng cao năng lực nghiên cứu của Trung tâm Đột quỵ và Trung tâm Phục hồi chức năng của Bệnh viện Bạch Mai.
"Hy vọng trong thời gian tới thêm nhiều kỹ thuật chuyên sâu về đột quỵ được đưa vào Việt Nam để nâng cao chất lượng điều trị đột quỵ cho người dân tiếp cận với các nước tiên tiến trên thế giới"- PGS.TS Mai Duy Tôn nói.
Hội nghị đột quỵ quốc tế năm 2024 là nơi quy tụ các chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, nghiên cứu viên đến từ các bệnh viện và các trường đại học y của các tỉnh thành trong nước và nhiều báo cáo viên nước ngoài là các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia về đột quỵ đến từ các quốc gia như Ý, Singapore, Ấn Độ, Úc, Pháp, Nga, Anh,… cùng với gần 2000 hội thảo viên từ khắp mọi miền đất nước, và khoảng 700 hội thảo viên tham dự online.
Hội nghị gồm các báo cáo cập nhật mới nhất về chẩn đoán điều trị, can thiệp mạch não và các kỹ thuật chuyên sâu về đột quỵ, có tính ứng dụng thực tiễn cao trong lâm sàng.
Đồng thời, hội nghị cũng là dịp Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện Bạch Mai nằm trong danh sách 4 cơ sở y tế đứng đầu thế giới về số lượng chứng nhận Kim Cương của Tổ chức Đột quỵ thế giới qua chương trình Angels với 14 chứng nhận. Chương trình Angels với mục đích giúp cho người bệnh được xử trí kịp thời và chuẩn mực nhờ việc tăng số lượng bệnh viện có khả năng cấp cứu đột quỵ với chất lượng được tối ưu hóa.