Năm học cũ vừa kết thúc được vài ngày và đến tháng 9 mới bước vào năm học mới nhưng những hình ảnh các bậc phụ huynh ngồi đội nắng ngóng các “sĩ tử” vào kiểm tra kiến thức để được vào lớp 1 ở một số trường tiểu học dân lập Hà Nội đã gây không ít những băn khoăn và cũng không hiểu nên vui hay buồn trước hình ảnh đó. Ngay từ những ngày này, không chỉ phụ huynh của khối lớp 1, nhiều bậc phụ huynh của các khối lớp cuối cấp đã phải đưa con đến các “lò luyện thi” để học thêm nhằm chuẩn bị thi vào các lớp đầu cấp, nhất là thi vào các trường chuyên, lớp chọn và lớp tăng cường tiếng Anh dành cho lớp 1. Một giáo viên có kinh nghiệm lâu năm trong ngành giáo dục đã phải thốt lên đau xót: “Điều tôi không hiểu là tại sao các bậc phụ huynh lại phải cho con “chạy maratông” sớm thế. Quan niệm của tôi, cả cuộc đời đi học là một cuộc “chạy maratông” và chúng ta phải xác định khi nào thì nên chạy nước rút. Ở đây, ngay từ đầu phụ huynh đã cho con chạy nước rút thì liệu còn chạy được bao nhiêu nữa?”.
Chứng kiến những đứa trẻ sắp vào các lớp đầu cấp như: lớp 1, 6, 10... oằn mình vác sách đi học “học kỳ 3” mà không được nghỉ hè, nhiều bậc phụ huynh không khỏi chạnh lòng. Dù vậy, họ vẫn buộc phải đưa con đi học thêm bởi lo chúng sẽ không thể thi đậu vào các trường mà họ đã chọn. Đối với những học sinh lớp 12 thì áp lực thi cử còn lớn hơn, ai cũng cố phải đậu đại học. Có thể nói, áp lực thi cử đang là gánh nặng rất lớn cho đa số học sinh và đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần, sức khỏe của các em và cả nỗi lo lắng bức xúc cho các bậc phụ huynh. Việc oằn mình gánh nặng kỳ vọng của cha mẹ sẽ khiến các em mất khả năng tập trung, dễ rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm. Một kỳ thi tuyển, cả xã hội cùng “động binh” bởi áp lực của kỳ thi (mà lẽ ra không nên có) quá lớn. Trong một báo cáo của Bộ GD-ĐT gửi Quốc hội đã khẳng định: “Để tránh áp lực về thành tích dẫn tới tỷ lệ tốt nghiệp THPT không phản ánh đúng thực chất, Bộ không lấy kết quả thi tốt nghiệp để đánh giá, xếp loại thi đua của giáo viên, nhà trường và địa phương”.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang diễn ra và sau đó 1 tháng là sẽ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ, thi nối tiếp thi gắn theo bao sự kỳ vọng của cha mẹ lại trở thành áp lực cho con cái. Việc oằn mình gánh nặng kỳ vọng của cha mẹ sẽ khiến các em mất khả năng tập trung, dễ rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm. Vậy nên, điều quan trọng nhất ở thời điểm này, phụ huynh nên đồng hành cùng sĩ tử trong kỳ thi bằng những hành động quan tâm, chăm sóc và gần gũi con cái để giúp các em vượt qua những áp lực. Xã hội đang chông chênh với gánh nặng giáo dục, thiết nghĩ, bên cạnh yêu cầu giảm tải - dù giảm chưa bao nhiêu - thì nên tính cả chuyện giảm thi. Nhiều ý kiến cho rằng chỉ cần lấy kết quả năm học lớp 9 và thành tích rèn luyện của 3 năm học lớp 6, 7 và 8 làm cơ sở để xét tuyển công lập. Cách làm này vừa giảm được kỳ thi tuyển lớp 10, vừa khuyến khích học sinh học đều, không học lệch, học tủ, không xem nhẹ môn này, nặng môn kia. Đối với các trường chuyên, học sinh nào có nhu cầu thì có thể dự một kỳ thi riêng, không bắt buộc. Nhà trường luôn dạy học sinh không học lệch, học tủ nhưng với kiểu tổ chức thi cử hiện nay lại càng khuyến khích học sinh phải học lệch, học tủ. Giảm một kỳ thi, học sinh giảm biết bao nỗi khổ, mong lắm thay!
Phạm Ngân