Ðừng để rượu “tàn phá” sức khỏe

08-02-2017 15:30 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Đặc điểm nổi trội của rượu là khi uống vào sẽ làm cho con người phấn khích (hồ hởi, cười, nói vui vẻ), tuy vậy, nếu lạm dụng sẽ có nhiều điều bất lợi xảy ra.

Rượu có tác dụng gì?

Đặc điểm nổi trội của rượu là khi uống vào sẽ làm cho con người phấn khích (hồ hởi, cười, nói vui vẻ), tuy vậy, nếu lạm dụng sẽ có nhiều điều bất lợi xảy ra. Tác dụng của rượu trên thần kinh trung ương phụ thuộc vào nồng độ rượu có trong máu, nếu ở nồng độ thấp sẽ có tác dụng an thần, làm giảm lo âu. Nếu ở nồng độ cao hơn, rượu gây rối loạn tâm thần, làm mất điều hòa, không tự chủ được hành động và có thể bị hôn mê, ức chế hô hấp, nguy hiểm đến tính mạng. Khi nồng độ rượu trong máu quá cao sẽ làm tan rã lớp lipid của màng tế bào thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của các kênh ion và các protein tác động trên các kênh. Đối với tim mạch, với người bình thường, rượu nhẹ (dưới 100) ít ảnh hưởng nhưng rượu mạnh dùng trong thời gian dài có thể gây giãn cơ tim, phì đại tâm thất và xơ hóa. Do rượu làm ức chế trung tâm vận mạch nên rượu gây giãn mạch. Tác dụng giãn mạch của rượu còn do khả năng làm giãn cơ trơn, do đó, người ngộ độc rượu dễ bị hạ thân nhiệt và khi gặp lạnh dễ bị chết cóng.

Với hệ tiêu hóa, rượu nhẹ làm tăng tiết dịch vị, dịch vị có nhiều acid và ít pepsin, tăng nhu động ruột, tăng khả năng hấp thu thức ăn ở niêm mạc ruột. Vì vậy, dùng rượu nhẹ có điều độ sẽ làm tăng thể trọng. Ngược lại, rượu từ 200 sẽ ức chế sự bài tiết dịch vị, rượu mạnh (400) gây viêm, loét niêm mạc dạ dày (do ảnh hưởng tới lớp chất nhày ở dạ dày), nôn, co thắt vùng hạ vị và làm giảm sự hấp thu của một số thuốc qua ruột. Với người đang bị viêm loét dạ dày có thể làm cho bệnh trầm trọng thêm, thậm chí gây chảy máu hoặc thủng dạ dày tá tràng.

Thành phần độc hại chính của rượu

Ở Việt Nam có nhiều loại rượu nhưng nói chung có 3 loại chính: rượu ngoại, rượu xí nghiệp và rượu tự nấu hoặc tự pha chế. Hai loại rượu ngoại và rượu xí nghiệp có thể có tính chất an toàn hơn vì sản xuất theo công nghệ đảm bảo cho nên đã loại bỏ được một số chất độc hại như andehyt axetic, ethyl axetat, axit axetic... Tuy vậy, nhưng các loại rượu tự nấu không có điều kiện để loại bỏ các chất độc hại này, đặc biệt là loại rượu tự pha chế, vì vậy, nếu nồng độ rượu càng cao trong máu càng bất lợi, thậm chí rất nguy hiểm cho người uống, nhất là người đang mang trọng bệnh.

Biểu hiện của ngộ độc rượu

Khi bị ngộ độc rượu, nạn nhân sẽ giảm và mất khả năng vận động tự chủ, không điều khiển được hành vi, nói líu lưỡi, gọi nhầm tên người... Khi cơ thể không còn chuyển hóa được, rượu uống vào sẽ bị nôn ra. Những trường hợp ngộ độc quá nặng, rượu sẽ ức chế trung tâm hô hấp và gây ngừng thở. Người uống có thể nguy hiểm tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Xử trí thế nào?

Các bác sĩ cảnh báo, khi có người bị ngộ độc rượu, người nhà cần chú ý chăm sóc cho bệnh nhân, tuyệt đối không nên để bệnh nhân ngủ li bì suốt ngày hoặc suốt đêm bởi có thể hạ đường huyết, hạ nhiệt độ. Nhiều người khi say rượu nằm ngủ, dịch dạ dày nôn ra và bị hít vào phổi gây sặc nguy hiểm, dễ dẫn tới tử vong. Vì vậy, cứ sau vài tiếng, người nhà nên gọi bệnh nhân dậy, cho ăn sữa hoặc cháo. Trường hợp bệnh nhân không thể dậy và ăn được thì nên đưa tới bệnh viện ngay để tránh xảy ra những tình huống đáng tiếc.

Trước hết, cần cho người say uống một lượng nước ít nhất cũng bằng lượng rượu uống vào để pha loãng nồng độ rượu trong cơ thể và giúp cho quá trình đào thải rượu được nhanh chóng và thuận lợi. Tìm cách gây nôn hết, có thể áp dụng một trong những bài thuốc sau đây:

Chanh tươi 1 quả vắt lấy nước cho uống hoặc thái mỏng cho ăn luôn cả quả càng tốt.

Lá dong (hay được dùng để gói bánh chưng) 100 - 200g rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cho uống.

Sau đó, cho uống một cốc sữa nóng, trà đặc. Cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa). Tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái. Nếu có biểu hiện bất thường như co giật, thở không đều, ngã chảy máu tai, mắt, loạn nhịp tim phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Lời khuyên của thầy thuốc

Đừng bao giờ lạm dụng rượu, nhất là ngày Tết vì sẽ dẫn đến say (xỉn), đặc biệt là rượu tự nấu, tự pha chế sẽ hết sức nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí có thể tử vong do ngộ độc rượu. Ngoài ra, sau rượu còn làm gia tăng các cuộc ẩu đả và tai nan giao thông khi đi đường. Ðể phòng, tránh ngộ độc rượu, chỉ nên mua và sử dụng các loại rượu đóng chai có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng.Tuyệt đối không uống rượu lúc đói. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, động vật mà không biết rõ nguồn gốc và độc tính của nó. Không nên lạm dụng rượu, nhất là đối với người bệnh mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường, huyết áp...

PGS.TS. BS. Bùi Khắc Hậu
Ý kiến của bạn