Hà Nội

Ðừng để những cái chết oan uổng vì chó thả rông

12-04-2019 08:33 | Xã hội
google news

SKĐS - Liên tiếp những ngày vừa qua, cả nước xảy ra nhiều vụ chó thả rông tấn công người gây hậu quả nghiêm trọng. Mới đây nhất là vụ việc đàn chó tấn công tử vong bé trai 7 tuổi ở tỉnh Hưng Yên, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân.

Số người chết vì bệnh dại ngày càng tăng

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virut dại gây ra, lây truyền từ động vật - chủ yếu là chó, mèo sang người. Năm 2017, cả nước có 74 người chết vì bệnh dại.

Tại Bình Phước, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2018, tỉnh này có trên 1.305 người bị động vật cắn (chủ yếu là chó cắn), đã điều trị dự phòng tại các trung tâm y tế huyện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 9 trường hợp chết do bị chó dại cắn. Riêng năm 2015 có tới 4 trường hợp và tháng 3 năm nay có 1 người tử vong do chó dại cắn. Thực tế, đây chỉ là những trường hợp đã xảy ra hậu quả nghiêm trọng, cơ quan chức năng phải vào cuộc.

Còn tại tỉnh Hòa Bình, sau sự việc 4 người trong một gia đình ở xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình bị chó dại cắn, sau đó 2 người đã tử vong do chủ quan không tiêm phòng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hòa Bình Trần Thị Ái Hương cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, Trung tâm đã kịp thời tham mưu đến Sở Y tế, Ban Phòng chống dịch phối hợp với các sở, ban, ngành, các đơn vị có liên quan triển khai các hoạt động giám sát trực tiếp tại cộng đồng.

Thời gian tới, Trung tâm sẽ mở rộng điều tra đối với hộ dân, các thôn lân cận về việc nuôi chó thả rông; tăng cường công tác truyền thông; điều tra giám sát các trường hợp có nguy cơ phơi nhiễm và điều trị dự phòng phơi nhiễm theo quy định của Bộ Y tế ban hành. Hiện nay, những trường hợp khác phơi nhiễm virut dại vẫn chưa được xác định rõ.

Ðừng để những cái chết oan uổng vì chó thả rông

Chớ để quy định chỉ... trên giấy

Tập quán nuôi chó thả rông không chỉ diễn ra ở Bình Phước mà ở nhiều địa phương khác. Người dân thường không quan tâm tiêm phòng vắc-xin cho chó. Trong khi khí hậu miền Đông nắng nóng quanh năm rất dễ phát sinh bệnh dại. Thế nhưng người ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những con chó lưỡi thè lè, mắt long sòng sọc và chảy nhiều nhớt dãi chạy rông ngoài đường ở bất cứ đâu. Chưa cần tới bác sĩ thú y, nhìn bằng mắt thường cũng có thể đoán những con chó này đang mang bệnh hoặc trong trạng thái không bình thường. Khi đó, virut dại được bài tiết qua tuyến nước bọt, phân, nước tiểu của con chó bị bệnh, nếu vô tình để những vết xước trên da, niêm mạc của người và một số con vật khác dính vào nước bọt, dãi nhớt, phân của chó bị bệnh thì dễ dàng bị lây nhiễm. Từ khi bị chó dại cắn đến lúc phát bệnh dại trung bình từ 3-6 tháng, rất ít trường hợp phát bệnh sớm hơn, cá biệt có những ca sau vài năm mới phát bệnh. Đó là nguyên nhân khiến nhiều người chủ quan, không đi tiêm phòng ngay sau khi bị chó cắn. Hiện bệnh dại chưa có thuốc đặc trị nhưng có thể điều trị dự phòng bằng vắc-xin và huyết thanh kháng dại, trong đó tiêm vắc-xin phòng bệnh dại kịp thời là biện pháp hiệu quả để phòng chống bệnh dại ở người.

Do kinh phí eo hẹp nên hằng năm các huyện, thị xã không thể triển khai đồng bộ việc rà soát, điều tra, lập danh sách đàn chó nuôi. Trước đây, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh tổ chức xe bắt chó chạy rông ngoài đường. Nhưng từ năm 2018, Thông tư số 07/2016-TT/BNN&PTNT, ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng chống dịch bệnh trên cạn được ban hành. Theo đó, việc bắt giữ chó thả rông nơi công cộng được giao về các địa phương. Tuy nhiên, việc này rất ít địa phương thực hiện. Vì thế, nguy cơ số người bị chó cắn tăng cao.

Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 600-800 ngàn đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt nơi công cộng. Thả rông chó ở nơi công cộng hoặc để gây thiệt hại cho người khác bị phạt từ 100 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Trường hợp chó tấn công gây tổn hại sức khỏe, tài sản cho người khác thì chủ chó phải bồi thường... Hằng năm, UBND tỉnh cũng đều có công văn chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, các cơ quan chức năng tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại; hạn chế tối đa số người bị chó cắn và tử vong do bệnh dại gây ra. Tuy nhiên, vì chế tài không đủ mạnh cũng như không có các điều kiện cần thiết để thực hiện nên các quy định nêu trên dường như vẫn... nằm trên giấy.


Lam Anh
Ý kiến của bạn