Dù pháp luật trong lĩnh vực phòng chống về những sai phạm nói chung và tham nhũng nói riêng đã cho phép người dân tố cáo tiêu cực tham nhũng bằng đơn thư, email, đường dây nóng... nhưng cơ chế “bảo vệ nguồn tin” vẫn chưa thật sự mạnh mẽ. Người dân hiện nay vẫn rất ngại vì ở thế đơn độc trong cuộc chiến chống tham nhũng. Đó là những nhận định được đưa ra tại buổi tọa đàm về vai trò của người dân trong cuộc chiến chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới vừa tổ chức tại Hà Nội. Đây cũng là những băn khoăn, trăn trở của không ít người dân dũng cảm tố cáo những tiêu cực liên quan đến tham nhũng.
Một vấn đề đã được đưa ra tại buổi tọa đàm là không ít cá nhân khi ra tố cáo hành vi sai phạm của cấp trên đã phải sống trong rất nhiều những áp lực, thậm chí là kỳ thị, nhiều lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc. Có một thực tế nếu là cá nhân đứng lên tố cáo thì áp lực càng tăng lên - áp lực từ lãnh đạo, cấp trên có sức ép rất lớn, trong nhiều trường hợp, có người không chịu nổi đã phải bỏ cuộc... Ông Ngô Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, công dân là một chủ thể quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, trong thực tế, đang có nhiều hạn chế khiến công dân không muốn tham gia và không thể tham gia phòng chống tham nhũng. Qua theo dõi tình hình thực tiễn, ông Hùng cho biết, có những công dân không muốn tham gia, có công dân đã tham gia lại bị sức ép, ràng buộc, sợ bị trù dập, đó là những hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua.
Tại hội thảo, không ít ý kiến cho rằng, đấu tranh phòng chống tham nhũng là việc vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi người công dân cần phải có bản lĩnh. Do đó, bảo vệ người tố cáo là việc làm đặc biệt quan trọng và phải nhanh, kịp thời, có như thế mới khuyến khích mọi người dũng cảm đứng lên tố cáo những sai phạm. Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, tổ chức này sẽ đồng hành cùng người dân bảo vệ sự công bằng xã hội, phát huy vai trò tốt nhất của người dân đối với các vấn đề xã hội, trong đó có công tác phòng chống tham nhũng.
Có một thực tế là không ít cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng nếu không nhận được sự ủng hộ của đông đảo dư luận thì không biết bao giờ mới có hồi kết và sự thiệt thòi ở đây luôn nghiêng về phía người tố cáo bởi đủ thứ áp lực. Đây là vấn đề đòi hỏi và đang đặt ra cho cơ quan nhà nước cần sớm xây dựng văn hóa chống tham nhũng trong xã hội; hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra trên tinh thần dựa vào nhân dân; đặc biệt phải có cơ chế hiệu quả nhằm bảo vệ sự an toàn cho những người dũng cảm tham gia phòng chống tham nhũng.
Minh Hà