Hà Nội

Ðừng để dị ứng thực phẩm gây tai họa

01-01-2019 07:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Dị ứng thực phẩm là hội chứng gia tăng nhanh trong thời gian gần đây. Đặc biệt là những ngày vui xuân, trong một ngày, cơ thể phải dung nạp nhiều loại thức ăn.

Một nghiên cứu đã cho thấy có khoảng 1/3 số người lớn cho rằng họ có vấn đề dị ứng với một số loại thực phẩm nào đó. Con số dị ứng đối với thức ăn ở trẻ em có thể lên đến 8%. Dị ứng thực phẩm sẽ gây cho bạn nhiều phiền toái, thực tế đã có trường hợp dị ứng thực phẩm bị tử vong do sốc phản vệ...

Yếu tố nguy cơ gây dị ứng

Dị ứng thực phẩm là phản ứng dị ứng miễn dịch của cơ thể với một loại protein trong thức ăn đó. Khi vào hệ tiêu hóa, chúng sẽ được vận chuyển lên máu, kết hợp với một loại kháng thể nằm sẵn trên bề mặt tế bào bạch cầu. Sự kết hợp này làm vỡ tế bào bạch cầu và phóng thích các hóa chất trung gian histamin, gây ra dị ứng. Dị ứng với thức ăn dễ xảy ra ở những người có cơ địa dị ứng (viêm da dị ứng, viêm mũi dị ứng, hen phế quản...).

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây dị ứng thức ăn như: protein và các phân tử không thay đổi khi đi vào tuần hoàn. Hệ miễn dịch tại ruột và tính miễn dịch của niêm mạc ruột. Một số chất gây tăng tính thấm của niêm mạc ruột như rượu, aspirin, nhiễm virut, ký sinh trùng, nấm. Sau khi ăn thức ăn gây dị ứng mà làm công việc gắng sức có thể dẫn đến sốc phản vệ.

dị ứng thực phẩm gây tai họaBiểu hiện dị ứng trên da (ảnh nhỏ) và một số thực phẩm dễ gây dị ứng.

Các mức độ biểu hiện khi bị dị ứng thức ăn

Dị ứng thực phẩm biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau sau khi ăn. Hàng đầu là các biểu hiện đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa. Tiếp đó là các biểu hiện ngoài da như đỏ da, mẩn ngứa, nổi mày đay.

Các biểu hiện thần kinh như đau đầu, chóng mặt, ngất, hôn mê. Các tổn thương niêm mạc như phù nề niêm mạc mắt, mũi, miệng. Các triệu chứng hô hấp như hắt hơi, ngạt, chảy nước mũi, khó thở kiểu hen, co thắt thanh quản.

Đặc biệt là sốc phản vệ khi có trụy tim mạch với các triệu chứng sốc như da tái lạnh, mạch nhanh nhỏ, nổi vân tím, tụt huyết áp... Các trường hợp tối cấp như co thắt thanh quản, sốc phản vệ có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Việc xác định dị ứng thực phẩm nói chung không khó nếu như vấn đề chẩn đoán được đặt ra. Chẩn đoán dựa vào tiền sử trẻ em hoặc người lớn có các biểu hiện dị ứng như đã mô tả ở trên sau ăn một loại thực phẩm nào đó. Một số test có thể giúp ích cho chẩn đoán như test lẩy da nếu như không rõ bệnh nhân bị dị ứng với loại thực phẩm nào.

Một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng

Ở người lớn, thực phẩm dễ gây dị ứng là: cá (đặc biệt là cá biển như cá nóc) và các loại hải sản như tôm, cua, sò, ốc, đậu phộng (lạc), quả óc chó (tương tự hạt dẻ), trứng. Ở trẻ em, thường dị ứng với trứng, sữa (đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ), đậu phộng, đậu nành (đỗ tương), lúa mì, quả óc chó...

Có thể nói tất cả thực phẩm đều có thể gây dị ứng, đặc biệt là thực phẩm giàu đạm (90% nguyên nhân). Dị ứng chéo xảy ra ở các thực phẩm có thành phần giống nhau. Như sữa, nếu đã dị ứng với sữa bò thì cũng có thể dị ứng với sữa dê. Nếu đã dị ứng với trứng gà thì cũng có thể dị ứng cả thịt gà, các loại bánh có sử dụng trứng...

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng: di truyền (nếu cha/mẹ bị dị ứng thì 20-30% con cũng có khả năng bị dị ứng, nếu cả cha cùng mẹ bị dị ứng thì tỷ lệ này đến 50-60%), một số điều kiện kết hợp như đang nhiễm virut, tổn thương niêm mạc ruột...

Thời gian xảy ra dị ứng có thể trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau ăn. Một số trường hợp nhạy cảm, chỉ cần chạm vào hoặc hít phải thực phẩm dị ứng là có thể xảy ra triệu chứng. Nhưng cũng có trường hợp phản ứng chậm, xảy ra sau vài ngày với những biểu hiện không rõ ràng như bứt rứt, khó chịu, mẩn ngứa, nôn ói, đau bụng, tiêu lỏng và phân lẫn máu. Cần theo dõi để phân biệt với những bệnh lý khác.

Dự phòng dị ứng thực phẩm

Dự phòng dị ứng thực phẩm rất quan trọng, bởi nếu xảy ra dị ứng thực phẩm nặng như phản ứng phản vệ thì việc điều trị sẽ rất khó khăn, tốn kém... có thể để lại hậu quả lâu dài.

Các biện pháp dự phòng gồm: Cần có hiểu biết về thực phẩm gây dị ứng và biểu hiện của dị ứng thực phẩm. Tránh sử dụng những thực phẩm và các sản phẩm có nguyên liệu làm từ thực phẩm mà bản thân đã bị dị ứng, kể cả tránh tiếp xúc qua da hay hít chúng. Nhận biết các triệu chứng sớm của phản ứng dị ứng.

Ghi nhớ các triệu chứng biểu hiện lâm sàng thường gặp ở dị ứng thực phẩm trên da, hệ tiêu hóa và hệ hô hấp. Khi phản ứng dị ứng thực phẩm xảy ra nhanh và có chiều hướng nặng lên, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

dị ứng thực phẩm gây tai họaCảm giác ngứa ngáy đi kèm với mẩn đỏ có thể là biểu hiện của dị ứng thực phẩm.

Với trẻ em, khi nghi ngờ trẻ bị dị ứng thực phẩm, gia đình nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế, ghi nhật ký ăn uống và tìm hiểu trong gia đình có ai bị dị ứng thực phẩm như trẻ hay không. Khi biết loại thực phẩm gây dị ứng thì nên tạm ngưng và chọn thức ăn khác thay thế cho trẻ. Trường hợp bị dị ứng nặng như nổi mề đay toàn thân, khó thở... phải đến ngay bệnh viện để cấp cứu.

Khuyến cáo của chuyên gia

Nói chung, khi đi ăn nhà hàng nên xem kỹ thực đơn, thành phần, nguồn gốc thức ăn để tránh ăn nhầm vào loại thực phẩm bị dị ứng. Nên tránh xa khu vực chế biến thực phẩm vì khi hít phải hơi thức ăn loại này cũng có thể bị dị ứng.

Thậm chí dị ứng cũng xảy ra nếu dùng chung bát đĩa... đựng loại thực phẩm dễ bị dị ứng. Không nên ăn các loại hải sản đã chết hoặc thực phẩm chế biến không đảm bảo do loại thức ăn này có thể chứa nhiều histamin do nhiễm khuẩn.

Cuối cùng, nên tránh dị ứng chéo khi ăn thức ăn cùng loại ví dụ một người bị dị ứng cua biển cũng rất nên thận trọng khi ăn các đồ biển khác như ghẹ, mực, tôm, sò...


BS Nguyễn Văn Hiếu
Ý kiến của bạn