Ùn tắc nông sản ở cửa khẩu, vì sao?

11-02-2015 10:00 | Thời sự

SKĐS - Gần một tuần nay đã diễn ra tình trạng ùn tắc các xe hàng nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh của tỉnh Lạng Sơn.

Gần một tuần nay đã diễn ra tình trạng ùn tắc các xe hàng nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh của tỉnh Lạng Sơn. Mặc dù các cơ quan chức năng đang nỗ lực phân luồng hàng hóa và giao thông để đẩy nhanh tiến độ thông quan, nhưng với hàng trăm xe mới được bổ sung mỗi ngày, tình trạng ùn ứ tại đây vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, tác động tới chất lượng và giá cả các loại hàng nông sản xuất sang Trung Quốc. Tình trạng ùn tắc hàng nông sản tại cửa khẩu Lạng Sơn không phải là lần đầu tiên xảy ra và đã gây ra những thiệt hại không nhỏ cho người dân.

Biển báo cây số cách Đồng Đăng 5km, từng hàng dài xe chờ đợi, các loại quả bị giập nát được vứt ra đường. Cho đến thời điểm này, có khoảng 1.000 xe ôtô tải đang bị ùn tắc hàng chục cây số tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng) đến khu vực Tam Lung (huyện Cao Lộc) giáp TP. Lạng Sơn để chờ làm thủ tục thông quan, xuất khẩu sang Trung Quốc. Hàng hóa chủ yếu là nông sản gồm chuối, thanh long, dưa hấu, chôm chôm… Việc làm duy nhất của các chủ xe lúc này là chờ đợi trước khi có thể thông quan số hàng hóa trong vòng vài ba ngày tới.

Các mặt hàng trên được vận chuyển từ các tỉnh miền Trung, miền Nam ra, mặc dù thời tiết khá rét, nhưng nhiều chủ xe vẫn tỏ ra lo ngại, chất lượng các loại nông sản này có thể bị ảnh hưởng mạnh, tác động tới giá cả nếu không được kịp thời thông quan sớm. Trong khi hiện phía bãi của Trung Quốc chỉ có sức chứa 300 xe mỗi ngày, tương đương với bấy nhiêu lượng xe có thể thông quan qua cửa khẩu. Cộng với tập quán mua bán trả giá trực tiếp tại các bến bãi khiến cho thời gian thông quan 1 xe hàng kéo dài hơn so với bình thường.

Cần nhắc lại rằng tình trạng ùn tắc hàng nông sản tại cửa khẩu Lạng Sơn không phải là lần đầu tiên xảy ra. Yếu tố mùa vụ thu hoạch cộng với nhu cầu tăng cao dịp giáp Tết của phía Trung Quốc được coi là nguyên nhân chính khiến lượng xe chở hàng nông sản đổ dồn về cửa khẩu Tân Thanh. Một nguyên nhân ùn tắc dài nữa là do những ngày cuối năm, lượng xe chở hàng nông sản đổ dồn lên Tân Thanh tăng đột biến, trong khi bến bãi và phía Trung Quốc thu mua có hạn.

Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng hơn là chúng ta chưa điều chỉnh được thị trường. Trong thương mại, việc phía bạn thay đổi, điều chỉnh về chính sách biên mậu, về mở rộng hay hạn chế nhập một số mặt hàng xuất khẩu tuy không lớn và kéo dài nhưng do chúng ta chưa có sự linh hoạt để thích ứng cũng như việc phối hợp giữa các ngành và địa phương đôi khi không đồng thuận cũng dẫn tới ách tắc hàng hóa.

Trong khi hàng năm, UBND tỉnh Lạng Sơn nhiều lần gửi văn bản thông báo cho các tỉnh có lượng nông sản xuất khẩu lớn và cả Bộ Công Thương để khuyến cáo các nhà vườn, chủ hàng cần có kế hoạch thu gom, vận chuyển hợp lý, tuy nhiên, nông sản vẫn dồn về Lạng Sơn cùng thời điểm với số lượng rất lớn, gây ách tắc.

Vì vậy, việc định hướng đầu ra cho nông dân cũng như tìm hiểu về thị trường tiêu thụ cần được các cơ quan chức năng nhìn nhận nghiêm túc nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân. Bên cạnh đó, bài toán ùn tắc nông sản tại cửa khẩu ở Lạng Sơn nếu không sớm tìm ra lời giải thì không chỉ riêng các doanh nghiệp xuất hàng qua Lạng Sơn bị thiệt hại mà còn ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu nói chung hiện nay.

Ngọc Anh

 

 

 


Ý kiến của bạn