SKĐS - Cuộc họp 4 bên tại Geneva (Thụy Sĩ) đã đạt thỏa thuận đầu tiên nhưng vẫn chưa đảm bảo sẽ hạ nhiệt được căng thẳng tại Ukraine.
Theo RIA-Novosti, các nhà ngoại giao của Ukraine, Nga, Mỹ và EU đã thảo luận căng thẳng trong khoảng 7 giờ đồng hồ, vượt xa thời gian dự kiến ban đầu. Kết thúc phiên họp, các bên đã đưa ra thỏa thuận xuống thang khủng hoảng tại Ukraine. Các nội dung chính bao gồm: giải giới các nhóm vũ trang phi pháp tại Ukraine và giải tán những người đang chiếm nhiều tòa nhà của chính quyền địa phương ở miền Đông; chấm dứt các hành động mang tính bạo động, đe dọa hoặc kích động xung đột của các bên. Ngoài ra còn ân xá tất cả người biểu tình thân Nga, trừ những người từng gây tội ác nghiêm trọng cũng như nhanh chóng tổ chức đối thoại quốc gia với sự tham gia của đại diện tất cả các vùng và đảng phái chính trị tại Ukraine. Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) sẽ hỗ trợ thực thi các điều khoản nói trên.
Thỏa thuận Geneva có thể xem là một tín hiệu tốt cho khủng hoảng tại Ukraine. Đây là lần đầu tiên Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngồi đàm phán trực tiếp với quyền Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsya. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định thỏa thuận này không giải quyết được gốc rễ vấn đề mà chỉ có thể giúp căng thẳng lắng dịu phần nào. Một động thái có thể giúp xoa dịu tình hình khác là Thủ tướng tạm quyền Arseniy Yatsenyuk đã chỉ thị tổ chức thảo luận về những sửa đổi trong Hiến pháp Ukraine theo hướng phân quyền cho các địa phương và tăng cường quyền lợi cho các cộng đồng thiểu số, gồm cả người nói tiếng Nga trước ngày 1.10, theo Đài tiếng nói nước Nga. Ông Yaseniuk cũng xác nhận đã soạn thảo xong dự luật về ân xá cho người biểu tình ở miền Đông để trình quốc hội.
Cục diện tại Ukraine đến tối 18.4 vẫn chưa có thay đổi gì đáng kể. Chính phủ lâm thời nước này vẫn tiếp tục chiến dịch “chống khủng bố” tại miền Đông còn những người biểu tình ở Donestk và nhiều nơi khác chưa chịu rời bỏ những nơi chiếm đóng và khẳng định sẽ không công nhận thỏa thuận Geneva vì văn bản không do họ ký kết, theo AFP. Đại diện lực lượng biểu tình Donestk là Denis Puchilin tuyên bố chỉ chấp thuận rời khỏi các trụ sở của cơ quan hành chính địa phương tại thành phố Donetsk với điều kiện chính phủ lâm thời Ukraine cũng “rời khỏi vị trí có được một cách phi pháp do đảo chính”.
Vì vậy, Anh và Mỹ tuyên bố phương Tây vẫn tiếp tục các động thái phản ứng nếu thỏa thuận Geneva không được tôn trọng, còn NATO thông báo chuẩn bị gửi 5 tàu chiến đến vùng biển Baltic. Về phần Nga, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh để thỏa thuận thật sự phát huy tác dụng, các bên cần đảm bảo không gây ảnh hưởng đến tính trung lập về chính trị và quân sự của Ukraine.
Ukraine cấm nam giới Nga nhập cảnh
Theo AFP, hãng hàng không Aeroflot (Nga) thông báo vừa nhận được quyết định chính thức của Ukraine về việc cấm nam công dân Nga từ 16 - 60 tuổi và cư dân Crimea (nam từ 16 - 60 tuổi, nữ từ 20 - 35 tuổi) nhập cảnh nước này. Phát ngôn viên lực lượng biên phòng Ukraine Sergey Astakhov tuyên bố đây là một phần trong chiến dịch “chống khủng bố” tại miền Đông. Hôm qua, Bộ Ngoại giao Nga đã ra thông cáo yêu cầu Kiev giải thích về quyết định nói trên.