Ukraine từ ‘cách mạng cam' tới tương lai bất định

27-02-2014 18:10 | Quốc tế
google news

Gần 10 năm sau ngày 'Cách mạng màu da cam' với đầy đủ những cung bậc cảm xúc, Ukraine lại bước vào cuộc phiêu lưu mới trong sân chơi các nước lớn với tương lai bất định chờ ở phía trước.

Gần 10 năm sau ngày 'Cách mạng màu da cam' với đầy đủ những cung bậc cảm xúc, Ukraine lại bước vào cuộc phiêu lưu mới trong sân chơi các nước lớn với tương lai bất định chờ ở phía trước.

 

Năm 2005, 'Cách mạng màu da cam' diễn ra bằng những cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử Tổng thống hồi năm 2004 bị cho là gian lận. Để rồi cuộc bầu cử lại vào 2005, bộ đôi quyền lực: Viktor Yushchenko và Yulia Tymoshenko xuất hiện.

Tuy nhiên, khi chưa kịp tận hưởng những thành quả mà cái gọi là “cách mạng” mang lại, cũng như những “giá trị phương Tây” như tuyên bố của giới chức Mỹ và Liên minh châu Âu, thì người dân Ukraine hằng ngày phải đón nhận hàng loạt các thông tin không mấy vui vẻ từ chính trường nước này, về những mâu thuẫn lợi ích không thể hàn gắn giữa Tổng thống Viktor Yushchenko và Thủ tướng Yulia Tymoshenko khi ấy, những người từng được họ tôn vinh làm thủ lĩnh trong “Cách mạng màu da cam”, lật đổ Viktor Yanukovych.

Sai lầm tiếp nối sai lầm, Viktor Yushchenko tiếp tục nỗ lực đưa Ukraine dấn thân vào “trò chơi” địa - chính trị với những nước lớn, giữa một bên là Nga, một bên là Mỹ và phương Tây.

Ukraine được tạo hóa ban cho vị thế địa-chính trị đặc biệt quan trọng, nằm giữa Nga và phần còn lại của châu Âu. Do yếu tố lịch sử để lại, phía Tây và phía Đông Ukraine tồn tại những điểm khác biệt về dân tộc cũng như văn hóa. Bất chấp Ukraine là tiếng quốc ngữ, người Ukraine sống ở phía Đông nước này phổ biến sử dụng tiếng Nga. Bên cạnh đó, do tiếp giáp với Nga, kinh tế phía Đông phát triển hơn phía Tây, trở thành đầu tàu kinh tế của Ukraine.

Và thực tế chứng minh, sau cuộc “Cách mạng màu da cam” hồi năm 2004-2005 với xu hướng tách ra tầm ảnh hưởng của Nga, xây dựng quan hệ với Mỹ và Liên minh châu Âu, tình hình kinh tế cũng như địa-chính trị của Ukraine dưới thời cựu Tổng thống Viktor Yushchenko, mất nhiều mà chẳng được bao nhiêu.

Cho đến trước khi Viktor Yanukovych trở lại làm Tổng thống (tháng 2/2010), đất nước 46 triệu dân này đã phải trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội “đen tối nhất lịch sử nước này” với hàng loạt những chỉ số báo động: Năm 2008-2009, GDP của Ukraina giảm 15%, lạm phát tăng 16,4%, số người thất nghiệp tăng gấp ba, lên 9%; thu nhập thực tế của người dân giảm gần 11%. Trong khi đó, mối quan hệ “cơm không lành, canh chẳng ngọt” với Nga đã đẩy Kiev vào cuộc khủng hoảng khí đốt thiệt đơn thiệt kép với Moscow.

Khác với năm 2004, các cuộc biểu tình tại Kiev 10 năm sau mang tính tự phát và không phải do các chính khách, mà do các sinh viên và giới đấu tranh dân sự vận động.

Năm 2004, các lực lượng “Cách mạng màu da cam” có những lãnh tụ cụ thể, có mục tiêu dứt khoát (đòi tổ chức bầu cử mới, và họ đạt được) và kỷ cương hết sức chặt chẽ. Còn hiện tại, tất cả các lãnh tụ đối lập – Arseny Yatseniuk, lãnh tụ đảng của Cựu thủ tướng Yulia Tymoshenko,; Vitaly Klitschko, nhà vô địch quyền Anh thế giới; và Oleh Tyagnibok, một nhà dân tộc chủ nghĩa hữu khuynh – đều không tiên liệu được mục tiêu rõ ràng sau khi “cách mạng” thành công.

Trong khi đó, Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov (được bầu làm tổng thống tạm quyền sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị Quốc hội Ukraina phế truất hôm 22/2) lấp lửng cho biết sẽ đưa đất nước trở lại con đường hội nhập châu Âu, song tuyên bố vẫn sẵn sàng đối thoại với Nga.

Nói như vậy để thấy, dù Mỹ và phương Tây có đáp ứng khoản viện trợ trị giá 35 tỷ USD để cứu vãn nền kinh tế Ukraine thoát khỏi nguy cơ sụp đổ của chính quyền lâm thời, cũng chưa hẳn có nghĩa là đất nước này sẽ nghiêng hẳn về phương Tây.

Một mặt, các quốc gia phương Tây từ trước tới nay chưa bao giờ cho thấy họ dễ dàng cung cấp tiền cho các phe đối lập một khi lãnh đạo của họ không nhất quán về chính sách đối ngoại.

Mặt khác, bản thân các nước phương Tây dù rất muốn cô lập Nga, kiềm chế sự trỗi dậy của cường quốc này, nhưng luôn thừa nhận mong mong muốn xích lại gần hơn Moscow. Vậy nên, nếu tham gia vào cuộc chơi của các nước lớn, thì Ukraine sẽ buộc phải chấp nhận thân phận trở thành “quân cờ” chiến lược cho các thỏa hiệp giữa các cường quốc.

Nói như vậy không có nghĩa, Ukraine sẽ xây dựng chính sách đối ngoại trên nền tảng của một mối quan hệ tốt đẹp với Nga. Giới lãnh đạo tạm quyền Ukraine cũng như phần đông dân số phía Tây nước này hiểu rằng, nếu Kiev không giữ vững được độc lập, tự chủ, phụ thuộc chính trị và kinh tế vào Moscow thì cũng lại là một sai lầm nguy hiểm. Thực tế chứng minh, xu hướng lệ thuộc luôn là mầm mống của sự phản kháng và dễ dàng để các lực lượng chính trị tạo cớ kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Bên cạnh đó, quyết tâm chấm dứt xung đột, khôi phục trật tự trong nước, bảo đảm hòa bình, sự bình yên, không cho phép xảy ra mâu thuẫn cục bộ và các vụ trả thù cá nhân… như tuyên bố của Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchynov, cũng không phải dễ dàng.

Giới chức ngoại giao Mỹ tại Kiev thừa nhận tình hình tại Ukraine hiện nay đặc biệt phức tạp, nguy cơ chia rẽ và tranh giành quyền lực trên chính trường đang hiển hiện trước mắt. Thậm chí, giới phân tích chính trị cho rằng, Ukraine những ngày tới đây khác 10 năm trước “đến mức nguy hiểm”.

Nếu như năm 2004, vị tổng thống khôn ngoan sắp mãn nhiệm Leonid Kuchma rốt cuộc đã làm trung gian đạt được một giải pháp dùng hòa.

Ngược lại, tổng thống hiện nay Yanukovych không thỏa hiệp, xem chính trị là trò “được ăn cả, ngã về không”. Nhiều nguồn tin cho biết ông Viktor Yanukovych đang chuẩn bị lực lượng tại quê hương Donestk để chuẩn bị phản công Kiev.

Một câu hỏi đặt ra đối với Ukraine bối cảnh hiện nay là: Phe đối lập khi cầm quyền trong quá khứ đã không làm gì tốt hơn chính quyền Viktor Yanukovich, vậy trong tương lai họ có thể làm tốt hơn được không?

Theo Tiền Phong

 

 

 

 


Ý kiến của bạn