Hà Nội

Ukraine trước tương lai mịt mù

25-02-2014 15:08 | Quốc tế
google news

Tổng thống bị phế truất, lãnh tụ phe đối lập được trả tự do và một cuộc tổng tuyển cử đang được gấp rút chuẩn bị, những biến động chính trị tại Ukraine diễn ra quá nhanh khiến tương lai của quốc gia này trở nên khó dự đoán.

Tổng thống bị phế truất, lãnh tụ phe đối lập được trả tự do và một cuộc tổng tuyển cử đang được gấp rút chuẩn bị, những biến động chính trị tại Ukraine diễn ra quá nhanh khiến tương lai của quốc gia này trở nên khó dự đoán.

100209130801-tymosh-yanukov-6695-1393300
Bà Yulia Tymoshenko và ông Viktor Yanukovych là đối thủ chính trị lâu năm, đại diện cho quyền lợi khác biệt của hai miền tây và đông Ukraine. Ảnh minh họa: AP, AFP

Ngày 22/2, Quốc hội Ukraine bỏ phiếu phế truất tổng thống Viktor Yanukovych và quyết định sẽ bầu cử sớm vào ngày 25/5. Sự kiện diễn ra chỉ vài giờ sau khi ông rời thủ đô Kiev, tháo chạy đến thành phố Kharkov, miền đông Ukraine.

Sự ra đi của Yanukovych để lại khoảng trống quyền lực trên chính trường Ukraine. "Thay thế ông sẽ là một lớp lãnh đạo mới có trật tự được hình thành từ các đảng phái đối lập, hay sự hỗn loạn do phong trào biểu tình đường phố gây nên? Và điều đáng sợ nhất là sự ra đời của hai và nhiều hơn hai trung tâm quyền lực, đẩy quốc gia trước bờ vực giải thể, giống như Nam Tư trước đây", bình luận viên Andrew Higgins thuộc New York Times nhận định.

Chủ nhân mới của Kiev

Đối với cá nhân Yanukovych, việc thành lập một chính phủ do phe đối lập đứng đầu là mối uy hiếp lớn nhất. Chính vì vậy, ngay sau khi đến Kharkov, ông xuất hiện trên truyền hình, tuyên bố "sẽ không rời bỏ đất nước và cũng không có ý định từ chức", bởi ông là "tổng thống được bầu hợp hiến của Ukraine". Yanukovych cũng gọi các phần tử đối lập là "bọn cướp đang khủng bố đất nước".

Thế nhưng, Quốc hội Ukraine nhanh chóng lấp chỗ trống bằng việc bầu ông Oleksandr Turchynov, đồng minh của nữ hoàng khí đốt Yulia Tymoshenko, làm tổng thống tạm quyền.

Turchynov mới chỉ được đưa lên làm chủ tịch quốc hội một ngày trước đó, sau khi cựu chủ tịch Volodymyr Rybak, người có tư tưởng thân chính phủ cũ, từ chức vì lý do sức khỏe.

Ngay sau khi lên cầm quyền, ông Turchynov cam kết sẽ đưa đất nước trở lại con đường hội nhập châu Âu nhưng cũng sẵn sàng đối thoại với Nga, đồng thời khởi động chiến dịch bầu tổng thống.

"Ukraine ngày nay như một bộ xương với nhiều chỗ rạn nứt. Sự quan tâm và ủng hộ có thể trị lành vết thương, nhưng áp lực lại có thể khiến nó vỡ vụn", bình luận viên David Stern của BBC nhận định. "Vấn đề trước mắt là chính phủ mới có năng lực bắt đầu tiến trình chữa lành vết thương hay không".

Theo nhiều chuyên gia, lãnh đạo phe đối lập hiện có lập trường khá thống nhất, nhưng điều này có lẽ chỉ mang tính tạm thời. Sau khi đạt được được mục tiêu lật đổ Yanukovych, đứng trước khoảng trống quyền lực, ý đồ chính trị của các phe phái khác nhau sẽ bộc lộ rõ ràng hơn.

Lãnh tụ biểu tình Vitali Klitschko được cho là ứng viên nặng ký cho chiếc ghế tổng thống. Nhà cựu vô địch quyền anh có quan điểm ủng hộ hội nhập châu Âu, phản đối liên kết với Nga và đặc biệt là không vướng vào các bê bối tài chính như nhiều chính trị gia khác.

Nữ hoàng khí đốt Tymoshenko vẫn là một chính khách đầy sức ảnh hưởng trên chính trường và xã hội Ukraine, bất chấp việc bà phải ngồi tù trong hơn hai năm qua. Bà là một trong các thủ lĩnh của phong trào cách mạng Cam, hai lần làm thủ tướng và từng tranh cử tổng thống với ông Yanukovych.

Bà Tymoshenko khẳng định không tìm kiếm cơ hội trở thành thủ tướng trong chính phủ liên minh mới thành lập, nhưng để ngỏ khả năng tranh cử vào vị trí tổng thống.  

Tổng thống tạm quyền Turchynov và luật sư Arseniy Yatsenyuk, hai đồng minh quan trọng của bà Tymoshenko trong đảng Tổ quốc, đều có khả năng ra tranh cử và nguy cơ mâu thuẫn nội bộ là hoàn toàn có thể xảy ra.

Yatsenyuk là gương mặt nổi trội trong cuộc biểu tình suốt nhiều tháng qua và là nhà thương thuyết hàng đầu của đảng Tổ quốc. Tuy nhiên, Turchynov lại là người được chọn đứng đầu nhà nước cho đến khi cuộc tổng tuyển cử được tiến hành.  

Ukraine trước nguy cơ chia rẽ

ukraine-9899-1393150449-4997-1393300592.
Biểu đồ kết quả bầu cử năm 2010 (trái) và bản đồ cho thấy tỷ lệ dân số dùng tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ ở Ukraine. Đồ họa: BBC

Với tổng diện tích 603.700 km2 và dân số hơn 45 triệu người, Ukraine là quốc gia lớn nhất nằm chắn giữa Nga và EU. Cho đến trước năm 1991, Ukraine vẫn là một nước thành viên thuộc Liên Xô, và chỉ trở thành quốc gia có chủ quyền độc lập sau khi siêu cường của mặt trận phía Đông tan rã và bức tường Berlin sụp đổ.

Trong lịch sử, miền đông đất nước có mối quan hệ mật thiết với Nga. Các nhà lãnh đạo Liên Xô từng lựa chọn Kharkov làm thủ đô của nhà nước Ukraine thuộc Liên bang Xô Viết, vì không tin tưởng vào lòng trung thành của Kiev, cũng như miền tây quốc gia này. 

Miền nam Ukraine, đặc biệt là khu vực Crimea, cũng có mối liên hệ gần gũi với Nga. Các chính trị gia tại đây thậm chí còn từng đòi hỏi quyền tự trị và thỉnh cầu sự bảo hộ của Moscow. Nga cũng đặt một căn cứ hải quân lớn tại thành phố cảng miền tây nam Sevastopol.

Những lãnh tụ biểu tình có tư tưởng cực hữu như chủ tịch đảng Svoboda, ông Oleh Tyahnybok, được người dân miền đông và miền nam coi là kẻ cực đoan.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu như cựu tổng thống Yanukovych tập hợp lực lượng tại khu vực miền đông, thì miền tây đất nước nhất định sẽ có hành động tương tự nhằm bảo vệ cho quan điểm một đất nước Ukraine duy nhất.

Từ sau khi giành được độc lập năm 1991, Ukraine luôn ở trong tình trạng mâu thuẫn giữa hai miền đông và tây. Sự mâu thuẫn này thể hiện qua kết quả mỗi lần bầu cử.

Trong ba tháng qua, mâu thuẫn này ngày càng hằn sâu. Khu vực phía tây nói tiếng Ukraine ủng hộ mạnh mẽ người biểu tình tại Quảng trường Độc Lập, trung tâm thủ đô Kiev. Trong khi đó, người dân miền đông coi cuộc biểu tình là nhằm mục đích loại bỏ một vị tổng thống dân cử, đại diện cho họ.

Mâu thuẫn và chia rẽ tại Ukraine ăn sâu vào lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa, từ đó vạch ra cục diện chính trị hiện tại. Nhân tố này ảnh hưởng đến quan hệ địa chính trị giữa Nga và EU.

71620796-eu-russia-summit-2833-1139-7704
Ukraine là quốc gia lớn nhất nằm chắn giữa Nga (xanh dương) và EU (vàng). Đồ họa: BBC

Nền kinh tế kiệt quệ

Dù cho cục diện chính trị Ukraine diễn tiến ra sao, quốc gia này đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản và rất cần sự hỗ trợ tài chính nước ngoài.

Nga từng ký với chính phủ của ông Yanukovych một gói viện trợ 15 tỷ USD và các ưu đãi về giá khí đốt. Nhưng chính phủ thân Nga đã sụp đổ và Moscow không thể chấp nhận những biến động chính trị vừa qua tại Kiev.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm qua nói rằng không tồn tại chính phủ ở Ukraine và tuyên bố sẽ không hợp tác với những kẻ đánh cắp quyền lực bằng cuộc "nổi loạn có vũ trang". Ông không nói rõ về gói viện trợ 15 tỷ USD trước đó, nhưng hé lộ rằng thỏa thuận cắt giảm giá khí đốt đã quá hạn và việc gia hạn phải thông qua đàm phán. 

Mỹ và EU chưa rõ sẽ có biện pháp hỗ trợ như thế nào, mặc dù Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew hôm 23/2 đề xuất hỗ trợ tái thiết nền kinh tế Ukraine.

"Mọi người đều không muốn dính vào những vấn đề mà Ukraine đang gặp phải", ông Mark Leonard, chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hội đồng châu Âu, cho biết. "Ukraine đã phá sản. Hệ thống chính phủ của đất nước này rất tồi tệ, chia năm xẻ bảy, tham nhũng đã đạt đến mức độ kinh hoàng".

Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) thương thảo với chính phủ Ukraine về một gói cứu trợ, nhưng kèm theo rất nhiều điều kiện ràng buộc, đặc biệt là trong vấn đề tinh giảm bộ máy chính phủ, trợ giá năng lượng và hạn chế nguồn thu chính phủ.

Người biểu tình đã lật đổ thành công chính phủ của cựu tổng thống Yanukovych, sau ba tháng biểu tình ròng rã, với hàng chục người thiệt mạng. Nhưng cái giá của chiến thắng này là một đất nước Ukraine kiệt quệ, chia rẽ về chính trị và văn hóa.

 

 


Ý kiến của bạn