Hà Nội

Ukraine trước nguy cơ trở thành Syria thứ hai

16-04-2014 01:33 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ukraine đang bước vào giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng hơn khi tối hậu thư do Ukraine đưa ra yêu cầu nhóm ly khai ở miền Đông phải đầu hàng đã không có hiệu lực.

Ukraine đang bước vào giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng hơn khi tối hậu thư do Ukraine đưa ra yêu cầu nhóm ly khai ở miền Đông phải đầu hàng đã không có hiệu lực.

Lực lượng ly khai đã uy hiếp Slaviansk - nơi sinh sống của 120 ngàn người. Họ đã chiếm sở cảnh sát cũng như văn phòng của cơ quan an ninh. Nỗi sợ hãi ám ảnh người dân nơi đây khi chính quyền bất lực trước nhóm ly khai.

Hiện người dân ở Đông Nam Ukraine không thừa nhận các chính trị gia chiếm quyền ở Kiev. Các nhà chức trách tại Kiev đưa quân về phía Đông Nam và đe dọa đàn áp các cuộc biểu tình bằng chiến dịch được gọi là “Hoạt động chống khủng bố”. Nhưng phương Tây không vội vàng giải thích cho những người được họ đỡ đầu tại Kiev. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nhấn mạnh rằng, tình hình ở phía Đông Nam đất nước đã trở nên cực kỳ nguy hiểm: “Những người cầm quyền tự xưng do kết quả đảo chính ở Kiev đã bắt tay vào việc đàn áp các cuộc biểu tình của nhân dân bằng bạo lực. Các cuộc biểu tình này là phản ứng tự nhiên đối với sự coi thường toàn bộ lợi ích hợp pháp của người dân khu vực Đông Nam. Chính quyền đe dọa trực tiếp sử dụng bạo lực đối với bất cứ ai không đồng ý với sự thống trị của chủ nghĩa bài Nga đã trị vì tại Kiev với sự hỗ trợ trực tiếp từ Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Đặc biệt, lệnh sử dụng quân đội để dập tắt các cuộc biểu tình đã gây ra sự phẫn nộ lớn lao”.

Khói lửa đang ngày một nhấn chìm Ukraine.

Khói lửa đang ngày một nhấn chìm Ukraine.

Từ tháng 3 đến nay, tại miền Đông Nam Ukraine đã diễn ra các cuộc biểu tình đòi tiến hành trưng cầu dân ý về liên bang hóa đất nước. Ở nhiều thành phố, các cơ quan thực thi pháp luật địa phương đứng về phía những người biểu tình. Do đó, ban lãnh đạo hiện nay tại Kiev quyết định sử dụng xe bọc thép để thuyết phục Ukraine đi theo con đường của mình. Và để nâng cao tinh thần cho quân đội, Kiev thuê các tay súng khiêu khích của cái gọi là “cánh hữu” và các nhóm vũ trang bất hợp pháp khác.

Trong bối cảnh này, nếu Kiev không được phương Tây ra lệnh kiềm chế và rút quân thì xung đột leo thang là điều không thể tránh khỏi. Và khi đó sẽ xảy ra một cuộc nội chiến toàn diện. Một kiểu Libya và Syria ở châu Âu. Chiến sự, các thành phố bị phá hủy, hàng triệu người tị nạn - tất cả những cái đó không chỉ sẽ xảy ra ở Ukraine mà toàn bộ châu Âu cũng sẽ phải hứng chịu.

Sự căng thẳng cực độ này diễn ra trước thềm cuộc đàm phán bốn bên giữa Nga, Ukraine, Hoa Kỳ và châu Âu sẽ diễn ra trong tuần này. Ngược lại với những tuyên bố kết tội phương Tây, giới quan sát phương Tây đặt câu hỏi liệu điều này có thể sẽ giúp chính quyền Nga có được cái cớ mà họ đang cần để đưa lực lượng quân đội từ biên giới Ukraine tiến sâu hơn về phía Tây. Hay tất cả chỉ là màn kịch chính trị, một nỗ lực nhằm cho thấy rõ cái giá phải trả; đưa ra để đe dọa chính quyền lâm thời của Ukraine. Hoặc Moscow chỉ đơn giản muốn kiểm soát tình hình trước khi diễn ra bất kỳ đàm phán nào. Dù với mục đích gì đi nữa, căng thẳng vẫn leo thang và giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

Trong khi đó, NATO và phương Tây khẳng định rằng Nga đã bắt đầu có những hoạt động quân sự ngầm ở phía Đông Ukraine? Chứng cứ từ mạng xã hội cho thấy, các nhóm người mặc đồng phục và được vũ trang cẩn thận đã tham gia nhiều vụ chiếm đóng các tòa nhà ở các thành phố miền Đông Ukraine.

Chốt lại, cả hai bên, Nga và phương Tây thi nhau hòn bấc ném đi hòn chì ném lại, lên án nhau, Ukraine tan nát, dân chúng sợ hãi. Đây là một bài học lớn cho những quốc gia không tự làm chủ, để các thế lực xâu xé nhau. Tất cả các cuộc nội chiến trên thế giới đều xuất phát từ sự bất mãn của một nhóm dân chúng đối với nhà cầm quyền. Kết cục, Ukraine tan nát như Syria không phải là một dự đoán viển vông mà hoàn toàn có cơ sở.

Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Carl Bildt cho biết: ”Ukraine trên thực tế đã phá sản. Tình hình thực sự là xấu. Tôi hy vọng rằng với gói cải cách mà Quỹ Tiền tệ quốc tế tài trợ, tình hình sẽ được cải thiện và những biện pháp mà Chính phủ Ukraine đưa ra sẽ không cho phép đất nước rơi vào tình trạng kiệt quệ. Khối lượng viện trợ nước ngoài đáng kể sẽ đồng thời với sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn việc phân phối chúng. Phương Tây không chấp nhận việc tiền rơi vào tay tư nhân”.

(Theo Itar-Tass, Reuters)

Lê Quỳnh

 


Ý kiến của bạn