Đây được xem là một nước đi táo bạo nhưng đầy nguy cơ, nhằm giảm sức ép cho các vị trí của Ukraine tại mặt trận Donbass. Theo tạp chí The Economist, quyết định này là kết quả của sự tuyệt vọng và sự căng thẳng gia tăng trong hàng ngũ chính trị và quân sự của Ukraine.
Theo các nguồn tin được tạp chí này trích dẫn, Ukraine không chỉ nhắm đến Kursk mà ban đầu còn có ý định tấn công cả khu vực Bryansk. Mục tiêu của chiến dịch là phân tán lực lượng Nga dọc theo toàn bộ chiến tuyến, tạo điều kiện cho các lực lượng Ukraine tái bố trí và củng cố các vị trí ở Donbass.
Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU), Alexander Syrsky, được cho là đã giữ kín kế hoạch này, chỉ chia sẻ với một nhóm nhỏ các chỉ huy quân sự và tình báo cấp cao, cùng Tổng thống Ukraine, Vladimir Zelensky.
Tờ The Economist viết, ông Syrsky từng đối mặt với nguy cơ bị cách chức do xung đột với cố vấn của Tổng thống Zelensky, Andrei Ermak. Tuy nhiên, sau cuộc tấn công vào Kursk, vị thế của ông đã được củng cố trong quân đội Ukraine.
Đáng chú ý, các đồng minh phương Tây của Ukraine dường như không hề hay biết về kế hoạch lần này. Trước đó, phương Tây đã ngăn cản hai chiến dịch của ông Syrsky, với một chiến dịch bị rò rỉ thông tin cho Nga và một chiến dịch khác bị yêu cầu hủy bỏ. Tuy nhiên, lần này, phương Tây đã đứng ngoài cuộc, không phản đối cuộc tấn công tại Kursk.
Cuộc tấn công lớn vào Kursk bắt đầu từ ngày 6/8, khiến Nga phải ban bố tình trạng khẩn cấp liên bang tại khu vực này. Mối đe dọa tên lửa được báo động nhiều lần, các vụ pháo kích đã khiến hơn 140 người bị thương, trong đó có 10 trẻ em. Hơn 10 nghìn người dân tại khu vực biên giới phải sơ tán đến các trung tâm lưu trú tạm thời.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, kể từ khi giao tranh nổ ra ở mặt trận Kursk, Kiev đã tổn thất hơn 3.460 binh sĩ, 50 xe tăng và 45 xe bọc thép. Chiến dịch vẫn tiếp tục khi các đơn vị của Lực lượng Vũ trang Ukraine đang bị quân đội Nga áp đảo trên nhiều hướng.