Ukraine sắp nhận loạt tên lửa tầm xa từ một đồng minh châu Âu

11-05-2025 16:16 | Quốc tế
google news

SKĐS - Chính phủ Mỹ đã chấp thuận cho phép chuyển giao 100 tên lửa phòng không Patriot và 125 tên lửa pháo tầm xa từ kho dự trữ của Đức sang Ukraine.

Theo luật xuất khẩu của Mỹ, các vũ khí do Mỹ sản xuất không thể được tái xuất mà không có sự đồng ý từ Washington.

Ukraine sắp nhận loạt tên lửa tầm xa từ một đồng minh châu Âu- Ảnh 1.

Quân đội Đức và Ukraine trước hệ thống tên lửa phòng không Patriot, ngày 11/6/2024.

Động thái này diễn ra ngay sau khi Nga đơn phương tuyên bố ngừng bắn kéo dài 72 giờ, từ ngày 7 đến 10/5, để kỷ niệm Ngày Chiến thắng. Cùng thời điểm, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất tổ chức đàm phán hòa bình trực tiếp tại Istanbul vào ngày 15/5.

Từ lâu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thúc đẩy việc mua các hệ thống phòng không Patriot và tên lửa tầm xa. Gần đây, ông tuyên bố Kiev sẵn sàng chi 30-50 tỷ USD để mua vũ khí từ Mỹ hoặc xin phép sản xuất tại chỗ. Ông cũng chỉ đạo chính phủ theo đuổi một thỏa thuận Patriot, loại hệ thống có giá hơn 1 tỷ USD mỗi đơn vị và cần khoảng 90 người vận hành.

Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1, Tổng thống Donald Trump vẫn chưa phê duyệt gói viện trợ quân sự mới nào cho Ukraine. Các lô hàng viện trợ trước đây được phê chuẩn dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, hiện đã gần cạn kiệt.

Theo New York Times, chính quyền ông Trump có xu hướng yêu cầu các đồng minh NATO tại châu Âu chia sẻ thêm trách nhiệm hỗ trợ Ukraine, thay vì mở rộng viện trợ từ phía Mỹ.

Trong bối cảnh đó, ngày 8/5, quốc hội Ukraine đã thông qua một thỏa thuận quan trọng với Mỹ, cho phép Washington tiếp cận ưu đãi các nguồn tài nguyên thiên nhiên chiến lược của Ukraine, bao gồm cả các nguyên tố đất hiếm.

Thỏa thuận được ký từ tháng 4 cũng đề cập đến việc thành lập quỹ đầu tư chung để hỗ trợ tái thiết kinh tế Ukraine. Dù không bao gồm cam kết an ninh chính thức, Kiev coi đây là bước đi quan trọng hướng tới hợp tác sâu rộng hơn với Mỹ và khả năng tăng cường hỗ trợ quân sự trong tương lai.

"Thỏa thuận này mang lại cho chúng tôi hy vọng", Phó chủ tịch Ủy ban An ninh của Quốc hội Ukraine, nói với tờ New York Times. Ông cho biết lực lượng Ukraine đang dần cạn kiệt các loại tên lửa tầm xa, pháo binh và hệ thống phòng không, phần lớn được sản xuất tại Mỹ.

Trong khi đó, Đức – một trong những nhà tài trợ lớn nhất của Ukraine, cũng đang gặp khó trong việc cung cấp thêm hệ thống Patriot. Hồi tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết Berlin không thể gửi thêm ngay lập tức do hạn chế về nguồn cung. 

Tuy nhiên, Đức đã xác nhận sẽ chuyển giao bốn hệ thống phòng không IRIS-T SLM do nước này sản xuất, cùng 30 tên lửa IRIS-T bổ sung, 60 xe chống mìn và 50.000 quả đạn pháo.

Chính phủ Đức, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Friedrich Merz, cho biết họ sẽ ngừng công bố chi tiết về các đợt viện trợ quân sự, nhằm tạo ra một mức độ "mơ hồ chiến lược" trước Nga.

Về phần mình, Moscow tuyên bố sẵn sàng đối thoại nhưng khẳng định việc phương Tây ngừng chuyển giao vũ khí cho Ukraine là điều kiện tiên quyết để tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài.

Tổng thống Trump lên tiếng sau đề xuất hòa đàm Ukraine của ông PutinTổng thống Trump lên tiếng sau đề xuất hòa đàm Ukraine của ông Putin

SKĐS - Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ sự ủng hộ trước lời đề nghị của Tổng thống Nga Vladimir Putin, về việc nối lại các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp với Ukraine, tiến trình đã bị đình trệ từ năm 2022.


Xuân Minh
(Theo Bulgarian Military)
Ý kiến của bạn