Radar 92N6 đóng vai trò điều phối phóng tên lửa và giám sát hoạt động phòng không, là "trái tim" của hệ thống S-400. Sau cuộc tấn công, radar này đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn, buộc Nga phải điều chỉnh chiến lược phòng thủ để bù đắp lỗ hổng.
Bộ Tổng tham mưu Ukraine xác nhận rằng cuộc tấn công được tiến hành chính xác, nhắm vào vị trí do Trung đoàn tên lửa phòng không 568 của Nga kiểm soát.
Không chỉ ở Belgorod, Ukraine đã thực hiện nhiều cuộc tấn công thành công vào các hệ thống phòng không giá trị cao của Nga tại Crimea và Donbass, sử dụng vũ khí như tên lửa ATACMS. Những cuộc tấn công này đã phá hủy các radar quan trọng và làm suy yếu hiệu quả hoạt động của S-400.
Đáng chú ý, vào tháng 11/2024, Ukraine đã phá hủy 2 tổ hợp S-400 trong vòng 1 tuần, bao gồm một cuộc tấn công vào Simferopol, Crimea. Hình ảnh vệ tinh cho thấy hệ thống bị thiệt hại nặng nề với hố bom, mảnh vỡ và nhiều phương tiện hư hỏng.
S-400 Triumf được coi là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới, có khả năng bảo vệ các mục tiêu chiến lược trước nhiều loại mối đe dọa từ máy bay, tên lửa hành trình đến tên lửa đạn đạo. Hệ thống này có thể theo dõi đồng thời hàng trăm mục tiêu và điều hướng tên lửa một cách nhanh chóng, mang lại lợi thế lớn cho Nga.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công của Ukraine đã chỉ ra điểm yếu của S-400: phụ thuộc nhiều vào radar như 92N6. Những hệ thống này dễ bị tổn thương trước các tên lửa chống bức xạ và tác chiến điện tử, khiến chúng trở thành mục tiêu ưu tiên trong chiến tranh hiện đại.
Việc mất đi một radar quan trọng không chỉ làm giảm khả năng phòng thủ của Nga mà còn tạo ra khoảng trống tại các khu vực trọng yếu. Điều này đặc biệt nghiêm trọng ở các khu vực nhạy cảm như Moscow, nơi yêu cầu phòng không được ưu tiên hàng đầu.
Mặc dù chịu tổn thất trong thực chiến, S-400 vẫn được xem là một hệ thống phòng không hàng đầu. Sự hiện diện của nó tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy tầm ảnh hưởng lớn của công nghệ này.