Ukraine lo ngại về hiệu quả của Patriot sau loạt tổn thất bởi Iskander-M Nga

28-05-2025 11:32 | Quốc tế
google news

SKĐS - Không quân Ukraine mới đây đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về hiệu quả thực tế của hệ thống phòng không tầm xa MIM-104 Patriot.

Trong tuyên bố ngày 26/5, người phát ngôn Không quân Ukraine Igor Ignat, nhấn mạnh rằng hệ thống Patriot gặp khó khăn trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M, một trong những loại vũ khí chủ lực của Nga.

"Các tên lửa Iskander có khả năng thực hiện những thao tác né tránh trong giai đoạn cuối, khiến hệ thống Patriot khó tính toán chính xác quỹ đạo đánh chặn. Ngoài ra, chúng còn có thể thả mồi nhử để đánh lừa tên lửa đánh chặn", ông Ignat cho biết.

Tuyên bố của Ukraine được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Patriot đã bị tổn thất đáng kể trước các cuộc tấn công của Iskander-M. Từ tháng 2/2024 đến nay, nhiều đoạn video xác nhận các tổ hợp Patriot bị phá hủy trong những cuộc tấn công riêng biệt, từ vùng Sergeevka đến Odessa và Dnepropetrovsk.

Cụ thể, vụ tấn công đầu tiên được xác nhận vào ngày 23/2/2024, khi một hệ thống Patriot bị phá hủy. Chỉ vài tuần sau, vào ngày 10/3/2024, thêm một tổ hợp khác bị đánh trúng gần Sergeevka. 

Đến tháng 7/2024, hai khẩu đội ở Odessa bị loại khỏi vòng chiến. Đặc biệt, ngày 11/8/2024, ba khẩu đội tên lửa cùng một radar AN/MPQ-65 đã bị phá hủy, tiếp tục làm dấy lên lo ngại về khả năng phòng thủ thực sự của hệ thống này.

Gần đây nhất, tại Dnepropetrovsk, một trạm radar đa chức năng AN/MPQ-65, xe điều khiển chiến đấu và các bệ phóng tên lửa của Patriot cũng đã bị Iskander-M loại bỏ hoàn toàn.

Từ kỳ vọng lớn đến thực tế gây thất vọng

Hệ thống Patriot lần đầu được bàn giao cho Ukraine vào tháng 4/2023, với Mỹ, Đức và Hà Lan là những quốc gia đầu tiên viện trợ. Mỹ chính thức cam kết cung cấp vào tháng 12/2022, ngay sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố chắc chắn sẽ phá hủy bất kỳ tổ hợp Patriot nào xuất hiện tại chiến sự Ukraine.

Ở thời điểm đó, giới chuyên gia đã nghi ngại khả năng vận hành của Ukraine với hệ thống này, vốn yêu cầu hơn một năm đào tạo chuyên sâu. Điều này khiến nhiều người tin rằng Patriot trên thực tế phải dựa vào các chuyên gia và nhà thầu quân sự phương Tây để hoạt động hiệu quả.

Vụ tấn công đầu tiên nhằm vào Patriot được ghi nhận vào ngày 16/5/2023, khi một tên lửa phóng từ trên không, biến thể của 9K720 thuộc hệ thống Iskander-M, tấn công một tổ hợp ở Kiev.

Dù phía Ukraine và phương Tây phủ nhận Patriot bị phá hủy, các cuộc tấn công sau đó lại cho thấy Iskander-M có khả năng vô hiệu hóa hệ thống phòng không này một cách đáng lo ngại.

Lịch sử hiệu suất gây tranh cãi của Patriot

Những nghi ngờ về khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của Patriot thực chất không mới. Trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Patriot từng được sử dụng để đối phó với tên lửa Scud-B cũ của Iraq. Tuy nhiên, sau chiến tranh, nhiều cuộc điều tra độc lập cho thấy hiệu suất của Patriot không đạt như tuyên bố từ chính phủ Mỹ.

Một báo cáo của Hạ viện Mỹ kết luận: "Hệ thống Patriot không phải là thành công vang dội như công chúng tin tưởng. Bằng chứng cho thấy số tên lửa Scud bị bắn hạ là rất ít, thậm chí có thể là gần như không có". Năm 1992, một báo cáo khác chỉ ra rằng trong số 158 tên lửa Patriot được phóng trong chiến dịch, gần một nửa bắn vào mục tiêu giả.

Đáng chú ý, Giáo sư Theodore Postol của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ), một chuyên gia uy tín về công nghệ tên lửa, từng đưa ra đánh giá gây sốc: "Tỷ lệ đánh chặn thực tế của Patriot trong Chiến tranh vùng Vịnh có thể thấp hơn 10%, thậm chí là bằng 0".

Dù Patriot đã trải qua nhiều lần nâng cấp hiện đại, hiệu suất của nó vẫn tiếp tục gây tranh cãi. Trong chiến tranh Iraq năm 2003, Patriot không đạt được kỳ vọng.

Đến năm 2017, hệ thống này tiếp tục thất bại trong việc đánh chặn một tên lửa đạn đạo do lực lượng vũ trang Yemen phóng vào Saudi Arabia, dù khu vực được bảo vệ bởi một kho Patriot hiện đại. Các hình ảnh vệ tinh và video cho thấy đầu đạn đã bay không bị cản trở qua không phận Saudi Arabia.

Việc Ukraine công khai đặt câu hỏi về độ tin cậy của Patriot không chỉ là vấn đề riêng của Kiev, mà còn có ý nghĩa lớn đối với các quốc gia khác, đặc biệt là những nước thuộc phương Tây và Đông Bắc Á, nơi đang phụ thuộc nhiều vào Patriot để bảo vệ không phận trước mối đe dọa tên lửa đạn đạo ngày càng tinh vi.

Mỹ đề xuất Ukraine mua Patriot thay vì tiếp tục viện trợMỹ đề xuất Ukraine mua Patriot thay vì tiếp tục viện trợ

SKĐS - Ngày 26/5, tờ The Washington Post đưa tin, chính quyền Mỹ đã thay đổi cách tiếp cận trong việc hỗ trợ phòng không cho Ukraine.


Xuân Minh
(Theo Kyiv Independent, BM)
Ý kiến của bạn